Tinh dầu tràm được dùng khá phổ biến, đặc biệt khi người mệt mỏi, cảm cúm, hoặc với người già, sản phụ và trẻ em.
Tinh dầu tràm được lấy từ lá tươi của cây tràm, có tác dụng: Kháng nhiều chủng vi khuẩn, chống viêm và giảm đau, kháng histamin, chống co thắt phế quản, làm thông thoáng đường hô hấp, giảm ho, long đờm, chống đầy bụng và khó tiêu, chống phù nề...
Theo dược học cổ truyền tinh dầu tràm có vị cay chát, mùi thơm, tính ấm, vào hai đường kinh tỳ và phế, có công dụng hoạt huyết khu phong, an thần giảm đau, tiêu đờm sát trùng...
Chống viêm nhiễm: Tinh dầu tràm pha với dầu thầu dầu với tỷ lệ 5-10% dùng nhỏ mũi để sát khuẩn, chống cúm, ngạt mũi. Dùng tinh dầu tràm pha với nước với nồng độ 0,2% để rửa vết thương. Để làm sạch không khí và tạo ra cảm giác dễ chịu trong nhà có thể cho vài giọt tinh dầu tràm và chén nước nóng hoặc thấm vào miếng bông gòn đặt ở các góc nhà.
Hỗ trợ điều trị hôi miệng, viêm lợi, viêm quanh răng: Nhỏ 3 giọt tinh dầu tràm vào cốc nước ấm. Dùng dung dịch này súc miệng từ 2-3 lần/ngày. Ngoài ra, thêm một giọt dầu tràm trà vào kem đánh răng cũng đem lại hiệu quả tương tự. Cần lưu ý tuyện đối không được uống dung dịch này.
Giảm đau: Tinh dầu tràm được dùng xoa bóp nên ngoài làm nóng để chữa đau khớp, nhức mỏi chân tay, đau đầu, đau bụng. Cho một giọt tinh dầu tràm vào ly nước ấm để uống cũng có tác dụng làm giảm cơn đau bụng.
Chữa chứng đầy hơi, chậm tiêu, long đờm, giảm ho: Có thể dùng dầu tràm để xông họng, hít mũi nhằm mục đích giảm ho, long đờm và làm thông thoáng đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết lạnh lẽo. Khi bị đầy hơi đau bụng có thể dùng tinh dầu tràm xoa bụng và uống một cốc nước nóng có nhỏ vài ba giọt dầu tràm.
Trị mụn nhọt, trứng cá (da dầu): Dùng bông gòn tẩm dầu tràm thoa trực tiếp lên da và các vùng tổn thương mỗi ngày 2 lần, trước lúc đi ngủ và sau khi thức dậy vào buổi sáng. Đối với các vùng da dễ bị mụn như trán, mũi và cằm, nên thoa dầu tràm trà trực tiếp lên vùng chữ T. Nếu da mặt bị mụn trầm trọng, nhỏ 3 - 4 giọt dầu tràm trà vào sữa rửa mặt và sử dụng hàng ngày.
Làm đẹp: Chấm dầu tràm lên vùng da bị mụn giúp mụn nhanh xẹp và không để lại thâm, sẹo. Tinh dầu tràm có tính sát khuẩn cao, làm ức chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm trên da giúp nốt mụn giảm sưng, ngăn không cho mụn lan sang vùng da khác. Bên cạnh đó, việc thường xuyên dùng tinh dầu tràm xông mặt còn giúp làn da thông thoáng, láng mịn và khỏe hơn, giúp ngăn ngừa mụn và các vết nám một cách hiệu quả.
Trị gàu cho da đầu: Dầu gội có chứa 5% tinh dầu tràm trà có thể trị gàu và loại bỏ chấy, giúp phục hồi tóc khô và hư tổn. Dùng thường xuyên dầu gội có tinh dầu tràm, nang tóc và da đầu sẽ được “khơi thông”. Tóc giữ được độ ẩm và ngăn ngừa vi khuẩn, nấm tấn công da đầu. Khi bị nấm bàn chân dùng dầu tràm thoa vào vùng tổn thương.
Dù rất hữu ích cho sức khỏe, tuy nhiên tinh dầu tràm có thể gây kích ứng da, ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ... đặc biệt, không sử dụng dầu tràm nếu bị chàm. Ngoài ra, một số người khi nuốt phải quá nhiều tinh dầu tràm sẽ bị ngộ độc, gây ra tình trạng thiếu kiểm soát cơ dẫn đến co giật, giảm mức độ nhận thức.