Đánh giá về Quyết định 99 của Ban Bí thư, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng Quyết định bắt buộc cán bộ phải kê khai, công khai tài sản đánh trúng vấn đề thời sự người dân quan tâm. Trước đây một số vấn đề liên quan đến cán bộ không công khai nên người dân không biết để giám sát. Nếu chỉ kêu gọi chung chung nhưng không cung cấp thông tin thì người dân không có cơ sở để giám sát.
Ông Nguyễn Trọng Phúc.
PV: Ông đánh giá thế nào về Quyết định 99 của Ban Bí thư yêu cầu cán bộ kê khai và công khai tài sản để dân giám sát?
Ông Nguyễn Trọng Phúc: Quyết định 99 của Ban Bí thư ban hành để phát huy dân chủ trong Đảng, gắn với dân chủ ngoài xã hội. Việc người dân tham gia giám sát đó cũng là quá trình tham gia vào xây dựng Đảng, giúp cho quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng.
Trước đây vấn đề phát huy vai trò của nhân dân được đề cập đến nhưng còn khá chung chung nên dân khó có cơ sở để giám sát cán bộ. Đây là điều dân rất quan tâm, nhưng thực tế ngay cả ở cấp phường, xã là cấp gần gũi nhất dân cũng không nắm rõ khối tài sản của cán bộ. Dường như chỉ khi có sự việc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thì dân mới biết. Nếu muốn dân giám sát mà không có thông tin làm sao giám sát được cán bộ. Với quy định mới này, việc giám sát tài sản của cán bộ đã được cụ thể hóa, cán bộ phải kê khai và công khai tài sản. Người dân căn cứ vào đó để giám sát.
Ông có kỳ vọng với quy định mới này công cuộc chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn?
- Quyết định chỉ nêu những vấn đề chính, như là bộ khung thôi. Còn triển khai cụ thể thế nào phải đưa về từng tổ chức đảng ở địa phương, cơ sở cụ thể hóa, hướng dẫn để giúp người dân theo dõi và giám sát. Nếu có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, các cấp, các ngành, các địa phương nghiêm chỉnh thực hiện thì tôi tin rằng vai trò giám sát, tinh thần làm chủ của nhân dân được khơi dậy. Người dân coi việc của Đảng như việc của mình, việc của Đảng cũng là việc của dân và việc của dân cũng là việc của Đảng. Khi đã nhận thức đầy đủ thì sẽ tự giác tham gia, củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng.
Có lo ngại trong thời đại tràn lan thông tin thế này nếu công khai tài sản cán bộ trên phương tiện thông tin đại chúng sẽ tạo cơ hội cho những phần tử xấu lợi dụng để bôi xấu cán bộ không, thưa ông?
- Phải công khai các thông tin liên quan đến cán bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng thì quần chúng nhân dân có cơ sở để giám sát. Tất nhiên cũng phải nhấn mạnh, người dân có quyền được thông tin nhưng phải đúng luật. Cần cung cấp những thông tin cần thiết để quần chúng nhân dân hiểu được, vừa có tính minh bạch cũng vừa có tính định hướng nhận thức của quần chúng. Bởi nhận thức rất khác nhau. Cùng một sự kiện, một thông tin về cán bộ nhưng có nhiều nhận thức khác nhau, có sự phê phán từ góc độ này, góc độ khác nên thông tin phải có định hướng tốt.
Còn chuyện người ta lợi dụng thông tin này để gây nhiễu thì cũng có thể xảy ra. Nhưng trong Quyết định của Ban Bí thư cũng lưu ý những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật. Không phải cái gì cũng đưa lên hết cả.
Một lo ngại nữa đó là Quyết định của Ban Bí thư mới đề cập đến kê khai tài sản của cán bộ mà không đề cập đến yếu tố người thân, nếu người thân đứng tên tài sản này thì giám sát thế nào thưa ông, sao không bàn đến việc giám sát cả những đối tượng liên quan?
- Có thực tế là với tài sản bất minh thì người ta sẽ tìm cách tẩu tán bằng đường này hay đường khác, để người thân, họ hàng đứng tên là ví dụ. Nhưng đòi giám sát ngay lập tức cả những đối tượng liên quan cũng khó, chưa thể thực hiện ngay được. Bởi vì tài sản cá nhân là sở hữu được Hiến pháp bảo hộ, không ai được xâm phạm vào tài sản riêng. Nhưng mà thế nào là tài sản riêng hợp pháp, chính đáng thì phải làm rõ. Cái nào thuộc về khuất tất, do làm ăn phi pháp mà có cũng phải phân tích làm rõ. Đây là vấn đề rất khó.
Nếu tài sản không đứng tên cán bộ mà đứng tên vợ con, họ hàng thì việc xác định cũng hết sức khó khăn, phức tạp. Điều đó đòi hỏi những cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt cơ quan quản lý cán bộ phải vào cuộc cùng với các cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra của Chính phủ để làm rõ khối tài sản này. Đặc biệt, mỗi lần kê khai phải đánh giá cụ thể trong tài sản có bao nhiêu phần trăm chính đáng và không chính đáng. Không phân định làm sao truy nguồn gốc của tài sản. Nếu chưa làm rõ khối tài sản này ngay từ đầu mà đã đưa thông tin lên, sau này họ chứng minh là tài sản chính đáng thì sao?
Đối với những thông tin về những tài sản dư luận cho rằng không hợp pháp thì phải thẩm định cẩn thận, rõ ràng để khi thông tin công khai có tác dụng. Thật ra, để giám sát khối tài sản của cán bộ chưa bao giờ là chuyện dễ. Đặc biệt trong điều kiện chúng ta cứ dùng tiền mặt như thế này rất khó. Thế nên phải hạn chế dùng tiền mặt để nắm rõ dòng tiền. Nếu có dấu hiệu bất thường phải có biện pháp kiểm tra, xử lý ngay.
Quyết định của Ban Bí thư rất kịp thời, đánh trúng vào vấn đề thời sự, người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, một quyết định đưa ra để giải quyết những vấn đề hóc búa mà bao năm qua ta chưa thể làm được theo tôi không thể có kết quả ngay trong một sớm một chiều. Phải làm dần từng bước. Trước mắt cứ kê khai, công khai tài sản cán bộ chủ chốt-những người có “điều kiện” có hành vi tham nhũng trước rồi mới triển khai tiếp đến các đối tượng khác. Theo tôi, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì việc kê khai, công khai tài sản cán bộ cũng chỉ là một giải pháp. Chống tham nhũng phải là tổng hòa các giải pháp. Hiện Đảng ta đang tích cực thực hiện rất nhiều giải pháp liên quan đến công tác cán bộ, liên quan đến tăng cường chỉnh đốn trong Đảng. Với những giải pháp cứng rắn như vậy chắc chắn sẽ củng cố niềm tin của dân với Đảng.
Cần những giải pháp nào nữa để củng cố niềm tin của dân với Đảng thưa ông?
- Không có vùng cấm trong xử lý cán bộ bằng một loạt các quyết định cứng rắn với cán bộ sai phạm thời gian qua của Đảng đã làm nức lòng dư luận. Theo tôi, công cuộc chỉnh đốn đảng, nói không với tham nhũng tiêu cực phải tiếp tục làm. Theo đó, phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 4, phải làm thế nào để người dân quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị. Làm sao để người dân coi việc của Đảng cũng như việc của dân, làm tốt vấn đó thì sẽ củng cố niềm tin của người dân với Đảng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên Trung ương: Phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu Mục đích của việc kê khai tài sản cán bộ là để phòng chống tham nhũng. Song công tác kê khai tài sản hiện nay bị đánh giá là ít hiệu quả. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là không công khai. Nếu kê khai tài sản xong, các bộ phận đó lại bỏ vào trong tủ kính để “tự xem xét” với nhau, để bảo vệ “uy tín” thì không bao giờ việc kê khai tài sản có giá trị. Nếu chủ quan tự giám sát với nhau thì hiệu quả chỉ đạt được một phần nhỏ. |