Bộ GDĐT đã ban hành chùm thông tư về tiêu chuẩn, chức danh giáo viên các cấp từ mầm non đến phổ thông. Tuy nhiên, điều nhiều giáo viên quan tâm là có cần đi học để lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không? Kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên được tổ chức thế nào? Giáo viên cần điều kiện gì để thăng hạng chức danh?
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho hay, đây là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, mà không riêng gì ngành giáo dục. Theo đó, quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập có chứng chỉ bồi dưỡng theo TCCDNN trong các Thông tư quy định TCCDNN giáo viên mầm non, phổ thông trước đây và hiện tại, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm tính thống nhất trong quy định về quản lý viên chức.
Trên thực tế, không phải khi nào giáo viên cũng phải đi học chứng chỉ này. Chỉ những ai có nhu cầu thăng hạng thì mới phải đi học. Việc đi học để giúp giáo viên nắm thêm về quản lý hành chính nhà nước, hiểu được vị trí của mình là viên chức nhà nước.
Đại diện Cục Nhà giáo cho hay, 5, 7 năm, thậm chí từ hạng III lên hạng II là 9 năm và hạng II lên hạng I là 6 năm mới phải đi học một lần. Trong quá trình học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh này, có một số chuyên đề trùng với chuyện giảng dạy của giáo viên nên có thể gây hiểu lầm là không cần thiết.
Đại diện Bộ GDĐT cũng lưu ý, đối với những thầy cô còn thiếu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, cần đợi đến khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ, sở, phòng GDĐT mới đi học; tránh tình trạng lo lắng và tự đi học.
Bởi căn cứ theo quy định, để được dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, các thầy cô cần đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện như cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi. Đồng thời được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 3 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền...
Thông tư, quy định đã rõ. Vấn đề là cần được công khai đến tất cả giáo viên, đội ngũ quản lý, thủ trưởng cơ quan, cán bộ sở phòng… cũng như có hướng dẫn chi tiết khi nào thì giáo viên cần học và học như thế nào. Chỉ khi làm rõ được những điều đó thì giáo viên mới không còn băn khoăn về quyền và nghĩa vụ của mình nếu muốn/không muốn thăng hạng/bổ nhiệm.