Mới đây, Thường trực Chính phủ đã họp, nghe báo cáo và bàn thảo, thống nhất biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dự án tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi gắm và lưu ý dự án “9 từ” phải bảo đảm “tiến độ”, “chất lượng”, “hiệu quả”, không “tham nhũng”, “tiêu cực”; phải “công khai”, “minh bạch”, “trách nhiệm giải trình” để tháo gỡ những nút thắt cho Dự án thực hiện hơn 10 năm (từ năm 2008) mà chưa chịu về đích này.
Cần đẩy nhanh tiến độ Dự án tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận Ảnh: Mậu Trường.
Vì sao Thường trực Chính phủ phải sắn tay vào cuộc để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho Dự án này là bởi ngày 24/7 vừa qua, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có cuộc họp khẩn với UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan thẩm quyền dự kiến xác định điểm dừng kỹ thuật của các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, để làm cơ sở xem xét tạm dừng thực hiện Dự án vào tháng 8/2019. Lý do là do cơ quan có thẩm quyền chậm phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, công tác thu xếp vốn tín dụng và vốn ngân sách nhà nước chưa xác định được thời điểm giải ngân vốn cho dự án. Như vậy, vướng mắc của dự án nằm ở vốn.
Nhưng chậm tiến độ là cụm từ không chỉ dành riêng cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, đến thời điểm này, trong danh mục các dự án trọng điểm ngành GTVT vẫn còn 10 dự án đang thi công, trong đó, có tới 7 dự án chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ. Cụ thể, Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành nhiều tháng nay vẫn giậm chân tại chỗ ở mức hoàn thành 72,41% - chậm 12% so với kế hoạch. Trong 7 dự án đang chậm tiến độ thì có tới 5 dự án đường sắt đô thị. Trong đó, 2 dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh là tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên (mới đạt 62%); tuyến số 2 Bến Thành -Tham Lương, ngoài gói thầu CP1 (xây dựng tòa nhà văn phòng) đang nghiệm thu và đưa vào sử dụng, 8 gói thầu còn lại chưa thể triển khai do vướng mắc về điều chỉnh dự án và nguồn vốn cho dự án. Tương tự, 3 dự án đường sắt đô thị của Hà Nội cũng đang chậm tiến độ. Trong đó, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội và Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi.
Vậy đâu là nguyên nhân của những sự chậm trễ trên? Theo Bộ GTVT, có nhiều nguyên nhân, do thiếu vốn đối ứng, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, do nguồn cát vật liệu khó khăn, cần rà soát, điều chỉnh thiết kế của một số hạng mục… Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân đáng lo ngại là năng lực yếu kém của chủ đầu tư và nhà thầu.
Chủ đầu tư kém năng lực, sao lại có chuyện lạ lùng như vậy trong khi để trúng thầu một dự án giao thông nào đó đâu phải dễ huống hồ là dự án giao thông trọng điểm? Còn nhớ, cuối năm 2017, Thanh tra Chính phủ vào cuộc để thanh tra 7 dự án gồm: Dự án BOT hầm đường bộ đèo Phước Tượng - Phú Gia; Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội); Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình...thì mới vỡ lẽ các dự án này đều được chỉ định thầu. Không chỉ tính riêng 7 dự án này, thực tế từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả những nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực.
Hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư. Mặc dù quy định của pháp luật cho phép và việc chỉ định cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật, tuy nhiên, việc chỉ định thầu đã hạn chế tính cạnh tranh, việc công bố danh mục kêu gọi đầu tư, đăng thông tin kết quả lựa chọn nhà đầu tư chưa chặt chẽ... dẫn đến trong dư luận có quyền nghi ngờ về tính minh bạch của các dự án.
Công khai, minh bạch, đấu thầu công khai điều này không chỉ thực hiện riêng có với các dự án, công trình giao thông, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải trên cơ sở cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế. Bởi chỉ có đấu thầu cạnh tranh mới kích thích sáng tạo mới, bảo đảm tính minh bạch, cho phép có nhiều lựa chọn hơn về nhà đầu tư khi triển khai dự án theo hình thức PPP. Phải đảm bảo công khai, minh bạch tất cả phương thức đầu tư tại các dự án. Kể cả những khâu đơn giản nhất như chọn vật liệu. Những thông tin về dự án cũng cần được thông tin rộng rãi ngay từ khi bắt đầu xin chủ trương để các nhà đầu tư tham gia được biết, không để tình trạng nhà đầu tư phải chạy chỗ nọ, liên lạc, xin gặp chỗ kia mới biết thông tin, có như vậy mới kéo được nhiều nhà đầu tư cho dự án.
Có thể nói, công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình là điều được quan tâm hàng đầu. Trả lời tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/8 về lựa chọn nhà thầu cho tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần chỉ đạo chung là đấu thầu quốc tế rộng rãi, công khai, minh bạch, chọn các nhà thầu có năng lực kể cả trong nước và quốc tế. Tất nhiên không chỉ với tuyến cao tốc Bắc - Nam mà với tất cả các dự án, đặc biệt là dự án đầu tư công, sự công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình là điều kiện tiên quyết để tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.