Công khai tài sản để dân có thể giám sát

Lục Bình (thực hiện) 13/04/2016 07:10

Để cử tri lựa chọn người xứng đáng nhất, phải cung cấp thông tin đầy đủ về người ứng cử, đặc biệt là vấn đề công khai tài sản. Công khai tài sản làm sao để dân có thể giám sát được, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Phú Yên đã chia sẻ như vậy với PV Đại Đoàn Kết.

Công khai tài sản để dân có thể giám sát

Ông Nguyễn Thái Học.

PV: Thưa ông, một trong những vấn đề mà dư luận rất quan tâm đó là có minh bạch trong kê khai tài sản của người ứng cử hay không? Thực tế, việc kê khai tài sản hiện còn rất hình thức khiến dân khó giám sát được cán bộ?

Ông Nguyễn Thái Học: Bất cứ người nào khi ứng cử đều có trách nhiệm kê khai tài sản. Vấn đề là việc kê khai có trung thực không? Có phản ánh đúng thực tế tài sản mà anh đang sở hữu. Vấn đề này cần phải có quá trình theo dõi, đánh giá về cán bộ, trước đây anh làm gì, anh có tài sản loại gì, trị giá bao nhiêu, bây giờ anh ra ứng cử thì khối tài sản đó biến động thế nào và sau thời gian làm ĐBQH hoặc anh được điều chuyển làm công tác khác thì khối tài sản đó biến động ra sao?

Tất cả những điều này phải đòi hỏi sự đồng bộ. Còn nếu như cứ kê khai tài sản như lâu nay chúng ta vẫn yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng kê khai tài sản phải kê khai tài sản hàng năm thì người dân rất khó giám sát vấn đề kê khai tài sản của người ứng cử.

Như ông là cán bộ, ông đã kê khai hàng năm rồi, ông ứng cử khóa tới có nhất thiết phải kê khai nữa không?

- Thực ra mỗi lần kê khai tài sản có ý nghĩa, yêu cầu, mục đích khác nhau. Ví dụ như cuối năm 2015, trong quá trình đánh giá cán bộ thì cán bộ, công chức thuộc đối tượng phải kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng thì việc này được thực hiện hàng năm phải kê khai và công khai tại nơi công tác. Còn bây giờ bắt đầu thực hiện việc ứng cử đại biểu vào cơ quan quyền lực cao nhất cho cả nhiệm kỳ 5 năm thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH thì việc kê khai cũng là cần thiết.

Với doanh nghiệp có cần thiết kê khai tài sản không vì tài sản của họ biến động hàng tháng, thậm chí hàng ngày nếu họ là cổ đông của công ty cổ phần đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Hay như với người tự ứng cử, họ không làm trong cơ quan nhà nước, họ không hề lợi dụng địa vị pháp lý của mình để trục lợi thưa ông?

- Làm sao biết được ai đó không lợi dụng nếu tài sản của họ không công khai minh bạch. Ví dụ ĐBQH là doanh nhân thì anh có thể dùng tư cách ĐBQH của mình để làm những việc phục vụ lợi ích cho doanh nghiệp mình. Thực tế cũng đã có trường hợp ĐBQH bị bãi miễn do sử dụng hình ảnh của ĐBQH để trục lợi. Thế nên, đã ứng cử ĐBQH dù tự ứng cử hay được đề cử, là đại biểu thuộc khối nhà nước hay doanh nghiệp cũng phải kê khai tài sản.

Nhiều ý kiến cho rằng, kê khai năm nào cũng đạt 98-99%, nhưng kê khai xong rồi để đấy chứ có điều tra, giám sát được đâu, liệu việc kê khai này có hình thức?

- Thế nên, kê khai phải làm sao minh bạch đó là vấn đề thực tiễn đặt ra. Do đó, QH cần phải nghiên cứu để làm sao chúng ta sửa luật liên quan đến vấn đề kê khai tài sản để thực hiện phòng chống tham nhũng hiệu quả. Từ thực tiễn đặt ra là làm sao phải tăng được tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho người dân có thể giám sát được việc kê khai tài sản của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm việc trong những lĩnh vực nhạy cảm, những lĩnh vực quản lý tài sản, công quỹ, ngân sách, đầu tư, đất đai, khoáng sản, tài nguyên…

Tạo điều kiện thế nào để người dân giám sát được tài sản cán bộ, phải chăng ý ông là nên có một trang website riêng kê khai tài sản của những ứng cử viên ĐBQH?

- Theo tôi vấn đề này chưa thể công khai trên mạng được. Công khai tài sản là đúng nhưng chỉ công khai với những đối tượng cần công khai, công khai trong phạm vi nhất định vì tài sản thuộc sở tư nhân. Đã là vấn đề tư nhân cũng được pháp luật bảo vệ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công khai tài sản để dân có thể giám sát