Công khai thủy điện

Tinh Anh 22/11/2020 08:31

Dư luận xã hội thời gian qua chia thành “hai phe” tranh luận gay gắt các vấn đề liên quan đến thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ.

Song, hầu hết đều cho rằng, do thiếu cái nhìn tổng thể, cơ quan chức năng đã cho phép quá nhiều thủy điện nhỏ phát triển, mọc lên như nấm sau mưa rào dẫn đến những hệ lụy xấu cho môi trường, làm biến đổi khí hậu.

Nhiều khu rừng bị mất để làm thủy điện nhỏ.

Nhiều ý kiến khẳng định, thủy điện nhỏ chính là tác nhân gây mất rừng, khiến khả năng chống chọi tự nhiên với thiên tai bão lũ đã bị mất. Ý kiến này xem ra khá có cơ sở, bởi rừng không chỉ có tác dụng điều hòa sinh thái, nó còn có tác dụng ngăn cản gió bão, chống sói mòn đất do nước lũ... Mất rừng có nghĩa mọi thứ phó mặc cho thiên nhiên.

Đó là còn chưa kể việc xây dựng các công trình thủy điện còn làm thay đổi dòng chảy của các con sông, con suối, ảnh hưởng tới địa hình đất đá khu vực xung quanh. Mất rừng, địa chất thay đổi, thì việc sức tàn phá của các cơn bão, những trận lũ lụt sẽ nghiêm trọng hơn, những ngọn núi, quả đồi sạt lở do bị sói mòn, ngấm nước là điều không thể tránh.

Cũng có một vài ý kiến bênh vực, bảo vệ cho thủy điện khẳng định: Thủy điện không có hại, chỉ có lợi vì có tác dụng cắt lũ, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân ở hạ du. Luồng ý kiến này xem ra thiếu thuyết phục, khi mà thời gian qua thực tế ở dải đất miền Trung đã chứng minh điều ngược lại.

Mới đây, ngay tại diễn đàn Quốc hội, chính Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đã phải thừa nhận tác hại của các công trình thủy điện nhỏ, đồng thời thẳng thắn nói rằng, không nên tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ nữa. Việc Bộ Công thương đã loại khoảng 400 thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch chẳng phải cũng đã chứng minh điều đó hay sao?

Trước thực tế thủy điện nhỏ đua nhau mọc lên khó bề kiểm soát gây tác hại khôn lường tới môi trường, cùng với việc Bộ Công thương “tự nguyện” loại 400 công trình ra khỏi quy hoạch, thủy điện đã thành một nội dung quan trọng được đưa vào nghị quyết của Quốc hội.

Tại nghị quyết của Quốc hội, không chỉ yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, mà con phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy điện. Điều đó có nghĩa không chỉ có các cơ quan chuyên ngành mới có thể tiếp cận thông tin, mà ngay chính người dân cũng có thể nắm được để kiểm tra, giám sát.

Khi mà cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy điện được hình thành, sẽ không còn có đơn vị, cá nhân nào có thể phê duyệt các công trình thủy điện theo cảm tính, nếu không muốn nói là có sự móc ngoặc, tiêu cực. Trước, trong và sau khi xây dựng các công trình thủy điện, mọi thông tin đều phải công khai, minh bạch để cả bàn dân thiên hạ được biết.

Và khi mọi thứ đều “sáng trưng như ban ngày” thì chắc chắn sẽ không thể có chuyện người người làm thủy điện, nhà nhà làm thủy điện. Khi mà mọi thứ được người dân “để mắt” tới thì những tác động tiêu cực tới môi trường, khí hậu sẽ được giảm thiểu, thiên nhiên sẽ đỡ khắc nghiệt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công khai thủy điện