Trên con phố Thụy Khuê của Hà Nội, hồn quê vẫn còn được lưu giữ qua những chiếc cổng làng.
Nhắc đến cổng làng là nhắc đến một biểu tượng đầy độc đáo của văn hóa làng quê Việt. Bởi vậy mà nhiều người cảm thấy bất ngờ khi bắt gặp những cánh cổng làng nhuốm màu thời gian ngay giữa lòng thủ đô hiện đại.
Giữa không gian ồn ào, hối hả của thủ đô Hà Nội, con phố Thuỵ Khuê lại quy tụ nhiều cổng làng. Cứ cách vài chục mét, đan xen giữa những căn nhà hiện đại là chiếc cổng làng rêu phong. Điều này tạo nên nét độc đáo mà không con phố nào khác ở Hà Nội có được, có lẽ bởi vậy mà Thụy Khuê còn được biết đến với cái tên “phố cổng làng”.
Bỏ mặc sự ồn ào, náo nhiệt, cổng làng ở phố Thụy Khuê còn níu giữ những nét cổ kính và hoài niệm. Những chiếc cổng làng trái ngược với nhịp sống hối hả của Hà Nội ngày nay. Người ta nói cổng làng là nét đẹp bình yên của mảnh đất kinh ỳ.
Làng lên phố đã từ lâu, có nhiều cổng làng cũng đã bị mất đi nhưng cũng còn nhiều cổng trầm ngâm đứng đó như một chứng nhân lịch sử. Dấu quê trong lòng phố như nhắc nhở vùng đất nơi đó xưa kia vốn do nhiều làng tụ lại mà thành.
Mỗi cổng làng đều mang đậm dấu ấn xưa cũ với đôi câu đối bằng chữ Nho được khắc tạc hai bên, với những gốc cây muỗm, cây bồ đề có từ bao giờ. Nằm liền kề nhau dọc theo trục phố Thụy Khuê ngày nay, theo thứ tự đó là những làng Yên Thái, An Tho, Đông Xã, Hồ khẩu và Thụy Khuê. Từ ngày xưa, dân làng đã đặt những tên gọi thân thuộc mà ngắn gọn, nào cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh…
Thuỵ Khuê không cổng làng nào giống cổng làng nào, từ kích thước đến kiến trúc. Mỗi cổng mang một dáng vẻ riêng, không thể hoà lẫn. Trải qua hàng thế kỉ, có những cổng được tôn tạo trùng thu, nhưng cũng còn đó những chứng nhân lịch sử bao nhiêu năm rồi vẫn như thế: cổ kính, rêu phong và nhuốm màu thời gian.
Ngay bên trong cổng làng có hàng nước trà đá vỉa hè, có phiên chợ cóc mở mỗi sáng, có sân đình cho lũ trẻ nhỏ đùa nghịch, có cả các ông cụ cùng nhau chơi cờ. Người ta bảo nhau, dù hàng trăm hàng vạn thứ có thể đổi thay, nhưng riêng nếp sinh hoạt phía sau cổng làng vẫn vẹn nguyên.
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”
Những câu thơ ấy nhắc về làng Yên Thái với nghề làm giấy dó rất nổi tiếng ở đây. Giấy dó là loại giấy dành để tiến cử triều đình ngày xưa. Có lẽ bởi vậy mà trước đây, trên cổng làng Yên Thái từng được treo 4 chữ vàng “Mỹ Tục Khả Phong” do triều đình Tự Đức năm thứ 19 ban cho, mang ý nghĩa là làng có phong tục tốt đẹp.
Cuộc sống tại đây vẫn diễn ra bình lặng mỗi ngày. Cụ Đặng Quang Dần – 83 tuổi, một bậc lão niên sống tại đây chia sẻ:
“Tôi sống ở đây nhiều năm rồi nhưng cuộc sống không có nhiều đổi khác, chúng tôi vẫn còn con đường lát gạch, rồi mọi sinh hoạt vẫn hệt như trước kia. Ngoài kia thì xô bồ phát triển nhà cao tầng nhưng ở đây chúng tôi vẫn như thời xưa cũ. Cũng có nhiều người hỏi chúng tôi có buồn khi sống thế không nhưng chúng tôi vẫn thấy rất thoải mái và hài lòng với cuộc sống dung dị này. Nhiều chỗ đã được trùng tu lại tuy nhiên không vì thế mà mất đi nét văn hoá xưa, mọi thứ vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Mặc dù cổng làng nhỏ nên ô tô không thể đi qua, gây ra đôi chút bất tiện, nhưng không vì thế mà chúng tôi muốn hủy hoại chúng".
Cổng làng Hồ Khẩu hay còn được gọi là cổng Cái đã được trùng tu năm 1998. Đây là cổng có diện tích lớn nhất so với các cổng khác trên con phố Thuỵ Khuê. Phía trước cổng là ba bậc đá, thềm lát gạch đỏ phía trên, là dấu tích của bậc tam cấp, chỉ dành cho người đi bộ. Trước đây, cổng chính của làng Hồ chỉ được mở vào ngày hội còn hiện nay, cổng làng mở quanh năm.
Cuộc sống ngày càng hiện đại và thay đổi, vậy mà con người Thụy Khuê vẫn luôn tìm cách giữ lại nét đẹp nguyên thủy. Cổng tam quan, gồm lối đi chính và hai lối đi phụ ở hai bên. Những chiếc cổng đều được xây cuốn tò vò, trên có mái che.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, giữa sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống, những cổng làng vẫn tồn tại và mang đậm bản sắc văn hoá Việt giữa lòng thủ đô.
Cuộc sống ở Hà Nội dẫu có nhộn nhịp và hối hả, nhưng khi bước qua cổng làng, cuộc sống ở đây bỗng trở nên chậm hơn vài nhịp, bình yên và trầm lắng.