Công luận quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam

M.Loan - V.Mạnh (ghi) 23/01/2016 10:10

Chúng ta đã tranh thủ được công luận quốc tế lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định trong tham luận tại Đại hội Đảng 12.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Sáng nay (23/1/2016), tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng làm việc tại Hội trường để tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XII và nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điều hành phiên họp.

Tham luận tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động rất phức tạp và khó lường tác động tới an ninh và phát triển của đất nước, công tác đối ngoại đã được triển khai chủ động, đồng bộ, huy động được sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc triển khai thắng lợi của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

Hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, thông qua việc đưa mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Chúng ta đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Chúng ta đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán 4 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong tổng số 15 hiệp định thương mại tự do ta đã tham gia và đang đàm phán.

Đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thành viên có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp xây dựng Cộng đồng.

5 năm qua, chúng ta đã vận động được thêm 38 trong tổng số 59 đối tác chính thức công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường.

Các hoạt động kinh tế đối ngoại đã đóng góp tích cực vào việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đổi mới công nghệ, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa và lao động, tăng cường thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch…

Công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, chúng ta đã sử dụng triệt để các biện pháp chính trị - ngoại giao, thông qua song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, kiên trì và kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông, đồng thời vẫn duy trì đoàn kết trong ASEAN, duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Chúng ta đã tranh thủ được công luận quốc tế lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

“Thành tựu đối ngoại năm năm qua khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá, “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra”, ông Phạm Bình Minh nói.

Để đưa hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, theo ông Phạm Bình Minh trên cơ sở quán triệt và thực hiện đúng các quan điểm về hội nhập quốc tế được nêu trong Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, đối ngoại cần tập trung thực hiện triệt để phương châm “triển khai đồng bộ” các định hướng đối ngoại được Đại hội XII của Đảng thông qua, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương.

Trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho đất nước, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, theo đó cần tăng cường công tác phổ biến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đã nội luật hóa và các quy định trong quá trình triển khai; làm cho mỗi tổ chức, mỗi người dân hiểu rõ thách thức, cơ hội mà họ có được từ hội nhập quốc tế để tham gia một cách chủ động và tích cực; biến quá trình hội nhập từ các hoạt động chủ yếu do các cơ quan nhà nước tiến hành thành quá trình tham gia chủ động và tích cực của từng địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Triển khai các định hướng lớn về hội nhập được nêu trong Văn kiện Đại hội, tập trung thực hiện Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến 2020, tầm nhìn 2030 và các đề án, kế hoạch triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; khẩn trương hoàn thiện, nâng cao năng lực các thể chế hội nhập; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hội nhập; phấn đấu đến 2020, mức độ hội nhập trên các lĩnh vực của nước ta ở mức độ cao của các nước ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công luận quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam