Công nghệ số thổi hồn cho di sản

Phạm Sỹ 09/11/2023 06:21

Theo Cục Di sản Văn hóa, cả nước hiện có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, 9 di sản tư liệu quốc tế thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên lung linh, kỳ ảo khi được ứng dụng công nghệ ánh sáng.

Ngoài ra, còn có 3.621 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh, và hơn 40.000 di tích đã được kiểm kê. Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng ghi nhận 498 di sản, và hệ thống bảo tàng Việt Nam bao gồm 196 bảo tàng (bao gồm 127 bảo tàng công lập và 69 bảo tàng ngoài công lập) với hơn 4 triệu tài liệu và hiện vật, bao gồm nhiều sưu tập đặc biệt và quý hiếm.

Với kho tàng di sản văn hóa quý giá và đồ sộ như vậy, khi thực hiện chuyển đổi số để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu và lưu trữ, sẽ giúp cho di sản có khả năng kết nối và chia sẻ trên toàn quốc. Đây chính là một trong những biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng. Điều này phù hợp với xu hướng hiện nay, khi mọi người có thể thưởng thức các giá trị văn hóa từ dân tộc thông qua mạng internet, đồng thời phục vụ cả những người dân trong nước và bạn bè quốc tế trong tình hình mới.

Thời gian qua, nhiều đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; quần thể di tích Cố đô Huế… hay gần đây nhất là Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, việc Văn Miếu – Quốc Tử Giám ứng dụng chuyển đổi số là hình mẫu tương đối điển hình.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số thì thế giới thực cộng thêm công nghệ số thành thế giới thực số và mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới. Chuyển đổi số, công nghệ số mở ra một không gian mới cho phát triển du lịch. Chuyển đổi số, công nghệ số sẽ thổi hồn mới cho những công trình văn hóa di sản của Việt Nam.

Tới nay, một số tỉnh thành như Hà Nội, TPHCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh đã thực hiện công tác chuyển đổi số liên quan đến di sản văn hóa và du lịch một cách hiệu quả. Tuy nhiên, ở một số địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số, khái niệm "chuyển đổi số" trong lĩnh vực văn hóa vẫn còn xa lạ. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ sở hạ tầng mạng, thiết bị kỹ thuật còn hạn chế, nguồn lực nhân sự thiếu và có hạn, cùng với nguồn kinh phí hạn chế.

Công tác chuyển đổi số ở những địa phương này vẫn đang ở mức nhỏ lẻ, tự phát, chưa đồng bộ và chưa xây dựng được hệ sinh thái phần mềm chung và hệ thống dữ liệu để áp dụng một cách liên tục. Một thách thức khác liên quan đến nhận thức của các lãnh đạo địa phương và những người chịu trách nhiệm trong lĩnh vực văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, tuy là xu hướng đối với một bảo tàng hiện đại nhưng việc nghiên cứu, xây dựng nội dung cho ứng dụng công nghệ trưng bày hiệu quả là vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó, để vận hành, khai thác trưng bày ứng dụng công nghệ hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào nhân lực vận hành kỹ thuật cũng như trình độ, hiểu biết của công chúng khi sử dụng công nghệ, nhất là đối với những ứng dụng tương tác, trải nghiệm mà công chúng chủ động thao tác.

TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh công nghệ số như hiện nay, các đơn vị văn hóa không thể đơn độc giải bài toán chuyển đổi số mà cần có sự tham gia của toàn xã hội. Cần có những chính sách kịp thời với sự phát triển của công nghệ… sự hỗ trợ về mặt công nghệ, nhân lực kỹ thuật cũng như tài chính… Cùng với đó là sự chủ động, tích cực của các đơn vị bảo tàng trong lĩnh vực chuyển đổi số để chuyển mình. Cơ chế phối hợp cần đảm bảo tuân thủ pháp luật và hài hòa về lợi ích và trách nhiệm.

Bà Từ Thị Thu Hằng - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam lưu ý, chuyển đổi số quan trọng ở tạo lập, liên thông, khai thác dữ liệu thì trong lĩnh vực di sản văn hóa, vấn đề quan trọng chính là số hóa di sản, phổ cập giá trị di sản và sáng tạo các giá trị mới, các sản phẩm văn hóa mới trên môi trường số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ VHTTDL thúc đẩy phát triển nền tảng số quốc gia. Mỗi di sản quốc gia sẽ hình thành một phiên bản số trên không gian mạng, mang công nghệ giải quyết các bài toán lớn của ngành, đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế số, tương xứng với tiềm năng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghệ số thổi hồn cho di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO