Thời gian qua, doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ Việt Nam từng bước “thay da, đổi thịt”, đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất ngoại. Các bộ ngành kỳ vọng ngành công nghiệp hỗ trợ có thể phát triển nhanh hơn nữa…
DN Việt nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, với 12/16 FTA đã có hiệu lực, Việt Nam thật sự hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Đây cũng chính là cơ hội lớn giúp DN trong nước dễ dàng tiếp cận với các tập đoàn đa quốc gia để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thời gian qua, DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam từng bước “thay da, đổi thịt”, đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà sản xuất ngoại.
Các bộ ngành kỳ vọng ngành công nghiệp hỗ trợ có thể phát triển nhanh hơn nhờ vào sự hỗ trợ của DN FDI. Riêng TP HCM, ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, vùng và cả nước. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của TP HCM chiếm khoảng 32,3% của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khoảng 19% tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố. Do vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.
Đại diện công ty Nipro Việt Nam cho biết, theo định hướng phát triển của công ty là về lâu dài mong muốn kết nối với các DN Việt Nam sản xuất trực tiếp các sản phẩm hỗ trợ nhằm có thể đạt được mục tiêu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giúp giảm giá thành hơn. Ông Ngô Bảo Anh - Bộ phận mua hàng của Công ty Panasonic Việt Nam chia sẻ, không chỉ sử dụng các linh kiện điện tử của DN Việt cho nhà máy đang hoạt động tại đây, đơn vị còn giới thiệu và kết nối DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các công ty Panasonic khác trên toàn cầu. Vị này cho rằng, DN Việt đang có những tiến bộ rõ rệt trong việc cung ứng linh kiện cho các DN ngoại.
Đề cập đến vấn đề này, Sở Công thương TP HCM chỉ rõ, năm 2018, 17 DN FDI sản xuất các sản phẩm thiết bị đầu cuối ở các lĩnh vực điện tử, ô tô, cơ khí tham gia kết nối với khoảng 80 DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Kết quả, sau 3 tháng tổ chức kết nối 22 DN được các nhà mua hàng trả lời email, 11 DN được các nhà mua hàng đến thăm nhà xưởng, 8 DN được yêu cầu gửi bảng báo giá, 5 DN nhận được đề nghị gửi hàng mẫu. Riêng năm 2019, có 25 DN FDI sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối tham gia (tăng 40) kết nối với 70 DN Việt có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Trước yêu cầu ngày càng cao của chuỗi cung ứng toàn cầu, Sở Công thương TP HCM phối hợp với nhiều đơn vị hỗ trợ đào tạo, kết nối tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng cho các DN công nghiệp hỗ trợ. Mục tiêu của chương trình là tạo ra một “hệ sinh thái” để nâng tầm ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ, góp phần tăng sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp.
Ông Ngô Khải Hoàn - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương đánh giá, vai trò của các địa phương trong phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn còn mờ nhạt. Hiện, chương trình hỗ trợ, phối hợp của các tỉnh ở phía Nam chưa thật sâu rộng. Sắp tới phải nâng cao vai trò của các địa phương trong việc xác định chính sách ưu đãi cho DN công nghệ hỗ trợ.
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương lập 3 trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ tại 3 vùng gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Đến nay, bộ và các địa phương đang bước đầu làm các thủ tục liên quan để hoàn thành kế hoạch xây dựng 3 trung tâm.