Tại thời điểm này, thị trường ôtô Việt Nam đạt gần 300.000 xe, trong đó có khoảng 230.000 xe lắp ráp trong nước và 70.000 xe nhập khẩu đã khiến cho việc sản xuất xe và linh kiện xe gặp nhiều khó khăn.
Chưa kể lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với xe CBU tính từ năm 2018 đã khiến cho các nhà cung cấp phải đầu tư cao để sản xuất linh kiện.
Nhưng do không nhìn rõ thị trường tương lai cho sản xuất linh kiện hoặc có đầu tư thì cũng dẫn đến kết quả là độ khấu hao trên 1 linh kiện sẽ cao, làm cho linh kiện nội địa có chi phí cạnh tranh kém hơn so với linh kiện nhập khẩu.
Điều này dẫn đến thực tế là không nhiều nhà cung cấp có thể duy trì sản xuất ở Việt Nam và cung cấp linh kiện cho các hãng lắp ráp trong nước.
Do không có sẵn nguyên liệu và linh kiện trong nước, các nhà sản xuất phụ tùng lớn hơn và các nhà sản xuất xe ôtô phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài, làm phát sinh chi phí logistic, chi phí đóng gói và thuế nhập khẩu.
Các chi phí này khiến cho chênh lệch giữa chi phí sản xuất trong nước và chi phí sản xuất xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia càng lớn, lên đến 20%. Vì vậy, khả năng cạnh tranh của xe sản xuất trong nước yếu đi kể từ thời điểm năm 2018 khi thuế nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam giảm xuống còn 0%.
Từ thực tế nêu trên, Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất, đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô và các ngành công nghiệp hỗ trợ.