Nói gì thì nói, tới nay công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn đang ở những bước đi chập chững. Mặc dù Chính phủ đã từng có đề án Quy hoạch phát triển Công nghiệp phụ trợ (CNPT) đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Tuy nhiên, sau nhiều năm kể từ thời điểm đề án ra đời, CNPT của Việt Nam dường như vẫn chỉ ở tư thế là… ngành phụ.
Công nghiệp phụ trợ kém, lắp ráp vẫn là phổ biến.
Loay hoay
Không ít chuyên gia, những người tâm huyết với ngành công nghiệp đã bày tỏ kỳ vọng ngành CNPT của Việt Nam sẽ thực sự khởi sắc kể từ khi Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, sau nhiều năm, CNPT vẫn không có nhiều chuyển biến.
Không thiếu các cơ chế để CNPT phát triển, song, các DN hầu như không hấp thụ được, do đó, không thể bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo số liệu của Viện Chiến lược Công nghiệp (Bộ Công thương), khoảng 500 DN hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ có 200 DN trong nước đủ trình độ tham gia sản xuất cho nước ngoài nhưng mới tập trung vào chủ yếu vào lĩnh vực xe máy và điện tử, nhiều sản phẩm không đạt được mục tiêu đề ra.
Đối với ngành công nghiệp ôtô, mặc dù mục tiêu đặt ra phải nội địa hóa 60% (2010 - 2020) song thực tế, tỷ lệ đó cho đến thời điểm này vẫn chỉ đạt chưa đến 10%.
Còn quá nhiều vấn đề mà ngành CNPT cần phải thực hiện, phải thay đổi, phải bứt phá. Trong đó, giới chuyên gia cho rằng, nếu các DN trong nước chưa thoát khỏi tư duy phát triển “tự phát”, “mạnh ai nấy làm”, ngành CNPT của Việt Nam sẽ khó có thể “lột xác”.
Động lực mới
Được biết, Bộ Công thương đã và đang tiếp tục hoàn thiện chính sách mới về công nghiệp phụ trợ với những quy định, cơ chế cởi mở hơn, ưu đãi hơn cho các DN tham gia ngành này.
Theo ông Phan Hữu Thắng- nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chính sách này nếu được vận hành một cách hiệu quả, sẽ tạo động lực để DN Việt tự tin tham gia vào ngành CNPT trong thời gian tới.
GS Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, việc chính sách mới về công nghiệp phụ trợ mà Bộ Công thương đang hoàn thiện là một dự thảo chính sách khá hoàn chỉnh.
Ông Mại phân tích, ví dụ như chính sách về ưu đãi, tinh thần Bộ đưa ra, nếu làm cho DN FDI nào thì thuế, ưu đãi sẽ như DN FDI đó. Ví dụ nếu DN làm cho Sam Sung sẽ được hưởng thuế, ưu đãi như Sam Sung. Điều này là một điểm mới rất đáng mừng cho các DN trong nước.
Thứ hai, chính sách có nêu lên vấn đề cần có quỹ hỗ trợ để cung ứng cho các DN trong nước làm công nghiệp phụ trợ, ban đầu dự định quỹ này khoảng 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, GS Mại bày tỏ băn khoăn về mức lãi suất của quỹ hỗ trợ này.
“Theo dự thảo, lãi suất là 80% lãi suất thị trường - đây là mức khá cao. Chúng ta cần phải có một mức lãi suất hấp dẫn để có thể thu hút và tạo động lực cho DN tham gia vào lĩnh vực này”- GS Mại nhấn mạnh. Ngoài ra, chúng ta cần hỗ trợ cho các địa phương có DN làm công nghiệp hỗ trợ vì làm công nghiệp này cần một nguồn vốn rất lớn. “Nhiều chủ DN chia sẻ với tôi, dù khó khăn nhưng họ tin là họ sẽ làm được công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới nếu có sự hỗ trợ về chính sách từ phía cơ quan quản lý. Tôi cho là nếu các DN đã đặt niềm tin, dám đầu tư kết hợp với các chính sách đưa ra hợp lý, bổ trợ cho DN thì chắc chắn các DN Việt Nam sẽ thành công đối với ngành công nghiệp này” - ông GS Mại chia sẻ.