Văn hóa

Công nghiệp văn hóa gắn với di sản Huế

Nguyễn Quốc 03/09/2024 17:52

Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của tỉnh Thừa Thiên Huế.

anh1.jpg
Tỉnh Thừa Thiên Huế giàu tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Ảnh: Đình Hoàng.

Giàu tiềm năng

Những năm gần đây, ngành công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mới và hấp dẫn với nhiều địa phương trong cả nước. Vốn được xem là một trung tâm văn hoá với nhiều giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và thế mạnh để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Di sản Huế còn là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc, mà đỉnh cao là 8 di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh. Ngoài ra, tỉnh này cũng đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm lễ hội đặc sắc.

Đặc biệt, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với di sản Huế.

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp có sự kết hợp giữa sáng tạo với tiềm năng văn hóa để sản xuất ra những sản phẩm mang tính dịch vụ, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Theo TS Hải, tỉnh Thừa Thiên Huế có rất nhiều thế mạnh trong việc phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên những tiềm năng, lợi thế và mang bản sắc riêng. Huế vốn là thủ phủ của Đàng Trong và là Kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn. Vì vậy, Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú và đa dạng, cùng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

“Nhìn tổng thể trên 12 ngành công nghiệp văn hóa theo chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Huế có một số thế mạnh rất nổi trội như du lịch văn hoá, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, ẩm thực, may thêu, bảo tàng… Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể và phi vật thể. Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản” - TS Hải khẳng định.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đã xây dựng và khẳng định thương hiệu nhiều sản phẩm văn hóa, lễ hội đặc sắc góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa như tổ chức Festival Huế theo định hướng bốn mùa, các lễ hội như Lễ hội Đền Huyền Trân, Vật làng Sình, Lễ hội Điện Huệ Nam… được tổ chức thường xuyên và xuyên suốt trong năm đã thu hút đông đảo du khách tham dự. Cùng với đó, các tour du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái… cũng được hình thành; cùng với hình thành thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”, “Huế - Kinh đô Ẩm thực”… từng bước được khẳng định.

Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế đã thấy rõ thế mạnh và đầu tư để trùng tu, khôi phục, chấn hưng hệ thống kho tàng di sản văn hóa phong phú, đồ sộ một cách bài bản, khoa học, hiệu quả; trong đó chú trọng đến việc gắn liền giữa bảo tồn và phát triển.

Ẩm thực Huế với sự đa dạng và phong phú luôn tạo sức hút đặc biệt đối với du khách khi đến Huế. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1.700 món ăn thì Huế đã có tới 1.300 món ăn.

Ẩm thực Huế là cả một kho tàng phong phú với hệ ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian và ẩm thực chay. Qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, các đầu bếp Huế đã nâng tầm các món ăn trở thành “những tác phẩm nghệ thuật” với nghệ thuật trình bày rất đẹp mắt, tinh tế và tỉ mỉ, cùng với hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được.

Ngoài ẩm thực, hiện nay Huế đã và đang rất thành công trong việc phát triển công nghiệp văn hóa thông qua điện ảnh. Nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế đã lựa chọn Huế là điểm đến để thực hiện các cảnh quay tạo được sức lan tỏa, quảng bá về con người và thiên nhiên xứ Huế.

anh2.jpg
Với 1.300 món ăn, Huế được xem là kinh đô ẩm thực. Ảnh: Nguyễn Quốc.

Xu thế phát triển tất yếu

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một lợi thế đặc thù của địa phương. Chính các giá trị văn hóa Huế, từ di sản kiến trúc cung đình, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, ẩm thực, áo dài, nghề thủ công truyền thống… vốn có đã là nguyên liệu tuyệt vời để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng vào việc thực hiện công nghiệp văn hóa tại địa phương.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng, công nghiệp văn hóa là xu hướng phát triển của thời đại. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố bản sắc văn hóa cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Thừa Thiên Huế là địa phương có điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa khi sở hữu hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng” - ông Hoa nói.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, địa phương cần đẩy mạnh việc khai thác các yếu tố văn hóa để hình thành các sản phẩm văn hóa đặc trưng, hấp dẫn. Đầu tư để phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng cơ chế để khuyến khích người dân phát triển các sản phẩm đặc trưng của Huế như áo dài Huế, ẩm thực… Bên cạnh đó, quá trình phát triển công nghiệp văn hóa phải đặt trên nền tảng vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị di sản và hướng tới nhu cầu của thời đại.

Việc xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế được đặt trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, giúp các ngành công nghiệp văn hóa hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, địa phương tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng hiện đại hóa, dựa trên cơ sở xây dựng nền hành chính điện tử và đô thị thông minh.

Tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của Internet để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Thừa Thiên Huế một cách mạnh mẽ, rộng rãi, nhanh chóng hơn nữa đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đầu tư mạnh mẽ cho các thiết chế cộng đồng, như cảnh quan, hạ tầng dịch vụ của các làng cổ, khu phố cổ; xây dựng mới các không gian nền tảng cho văn hóa, du lịch.

Đồng thời, có cơ chế chính sách để thu hút nguồn đầu tư, xã hội hóa hoạt động văn hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nâng cấp, khai thác phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa.

“Để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, địa phương cần nhìn rõ và đánh giá đúng vai trò của văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công - tư và xã hội hóa hoạt động văn hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa” - TS Phan Thanh Hải nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghiệp văn hóa gắn với di sản Huế