Kiến trúc là một ngành nghệ thuật mang tính ứng dụng cao và được xác định đứng thứ hai trong các ngành cần triển khai trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay, kiến trúc Việt Nam vẫn chưa có những chương trình kết nối đồng bộ để tạo nên sự đột phá.
Những mảng màu sáng tối
Với sự phát triển của xã hội, không thể phủ nhận không gian đô thị đang có sự phát triển mạnh mẽ mang đến những diện mạo mới cho các hình thái kiến trúc. Tại Việt Nam có không ít không gian, kiến trúc công cộng gắn với du lịch và thu hút khách như Cầu Vàng (Đà Nẵng), Vườn tượng điêu khắc tại Công viên Tao Đàn (Thành phố Hồ Chí Minh), nhóm tượng điêu khắc và cây nêu tại làng Cù Lần (Đà Lạt, Lâm Đồng)...
Ngay tại Hà Nội, những người yêu nghệ thuật kiến trúc có thể tìm thấy ở mảnh đất này đủ loại phong cách như trường phái nghệ thuật và trang trí Art Deco trên công trình trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Bưu điện Hà Nội; Neo - Gothic ở Nhà thờ Lớn Hà Nội, Nhà thờ Hàm Long; Tân cổ điển với đại diện là Nhà hát Lớn Hà Nội, khách sạn Metropole; kiến trúc Pháp - Hoa trên nhà hàng Thủy Tạ... Ngoài ra, đại diện tiêu biểu cho kiến trúc Đông Dương cũng đang hiện hữu trên nhiều con phố nội đô đến những làng quê ngoại thành như Làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên); làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai)...
Bên cạnh đó, sự phát triển của các “không gian nghệ thuật” trong thời gian qua cũng tạo ra những “mảng màu” tươi sáng cho kiến trúc đô thị. Trong đó phải kể đến việc ra đời phố “bích họa” Phùng Hưng đã biến một không gian “ngủ yên” trầm lặng trong lòng thành phố Hà Nội bỗng thức dậy tươi vui, đầy năng lượng sống mới. Hay mới đây là phương án “Quận nghệ thuật sông Hồng” cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực khi đề xuất tại trung tâm của khúc sông Hồng có được một không gian dành riêng cho sự sáng tạo, nơi tất cả những ý tưởng, sáng tạo được hội tụ lại, giao thoa với nhau, được giới thiệu với đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước, tạo thành một cực phát triển rất hiệu quả, nơi địa linh và nhân kiệt hội tụ. Đặc biệt, những năm qua những công trình do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế đã sánh bước với những nền kiến trúc phát triển cao, đầy hiệu quả như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Thậm chí các tác phẩm của các kiến trúc sư “tên tuổi” như Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào Thúc Hào… chiếm giải cao liên tục trong những cuộc thi lớn quốc tế và trong một thời gian rất dài.
Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng nhìn vào mặt bằng chung thì kiến trúc đô thị Việt Nam hiện nay đang thiếu đi sự liên kết và vô tình đang tạo nên những bức tranh “hỗn tạp”. Đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực này vẫn còn mờ nhạt, kém hiệu quả. Ngay tại Hà Nội việc khai thác nền tảng kiến trúc còn rất hạn chế.
Trải qua một thời gian dài, các không gian văn hóa sẵn có của Hà Nội như các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống và những chương trình di dời nhà máy gắn với tái tạo thành các không gian văn hóa sáng tạo… vẫn còn là những “mảnh đất” hoang trống. Chưa kể, tại các đô thị khác hay những vùng nông thôn vẫn là những “bức tranh” ảm đạm.
Tìm hướng đi hiệu quả
Có thể thấy rằng, dù phát triển nhưng những thành tựu sản phẩm văn hóa kiến trúc nước ta hiện nay vẫn còn khá mờ nhạt. Ở đó, phát điểm lớn nhất là một bộ phận quan trọng là những kiến trúc sư chưa thực sự dấn thân, bắt kịp hơi thở cuộc sống, cảm nhận sự khốc liệt gian nan. Bên cạnh đó, có một thực tế là sự lãng phí trong khai thác văn hóa về kiến trúc có sẵn, hay việc tìm cơ hội xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo ở khắp mọi vùng miền Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Theo KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thời gian qua đã chứng minh, việc gắn kết giữa lĩnh vực kiến trúc trong phát triển công nghiệp văn hoá đang một vấn đề rất hóc búa. Hầu như chưa có những chương trình vạch ra và kết nối thực hiện đồng bộ xuyên suốt từ các tổ chức chính thống, ngay cả từ các hội nghề nghiệp. Đây là điều chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận và tìm cách đổi mới, thoát khỏi bảo thủ trì trệ.
Cũng theo ông Sơn, sự ảnh hưởng cần có về kiến trúc từ nước ngoài vào Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Sự làm mới kiến trúc Việt Nam để “mang chuông đi đánh xứ người” cũng trong tình trạng như vậy, đặc biệt là khu vực nhà nước. Kiến trúc Việt Nam chưa đúc rút học được nhiều cái hay, cái tiến bộ một cách cốt lõi. Việc nghiên cứu toàn diện cũng chưa thành hệ thống, chưa có địa chỉ cụ thể phụ trách. Vì vậy, sự tiếp thu kịp thời, bài bản chưa được vận hành đồng bộ và thường xuyên.
Để tháo gỡ những “nút thắt”, ông Sơn cho rằng, chúng ta phải bắt đầu từ những người “tay cuốc, tay cày” trong lĩnh vực này, đồng thời, đề xuất về cơ chế chính sách để công nghiệp hóa, hiện đại hóa “lao động nghệ thuật” để kiến trúc phát huy được sức mạnh tối đa trong phát triển công nghiệp văn hoá. “Cần có vận động của cả hệ thống và nhiều phía, những cá nhân riêng lẻ chỉ tạo nên những tiếng chuông ngân đơn điệu, với tinh thần một cây làm chẳng nên non” - ông Sơn nói.
Để tìm cầu nối gắn kết giữa kiến trúc và phát triển công nghiệp văn hoá có thể thây đang cần có một sự thay đổi, cũng như cách nhìn đồng bộ. Ở đó, theo nhiều kiến trúc sư, nhà quy hoạch cho rằng thay vì cách làm từ trên xuống thì nên là cách làm bắt đầu từ dưới lên. Nghĩa là trước đây các cơ quan quản lý đề ra quy định, chế tài rồi ở dưới ráp vào thực hiện.
Thì nay nên để người “lao động” trong lĩnh vực kiến trúc, tự phát hiện, tự nghiên cứu, đề xuất những mô hình thích hợp để trên phê duyệt thực hiện. Từ kế hoạch chương trình tổng quan, phải chọn những chương trình trọng tâm thích ứng theo thời gian. Thậm chí từ những chương trình được chọn phải làm thử để rút kinh nghiệm trên cơ sở có thể chấp nhận thất bại để tìm kiếm thành công.