Giá cả các mặt hàng tăng cao, công nhân các tỉnh phía Nam phải tằn tiện và thắt chặt chi tiêu để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Người lao động phải "thắt lưng buộc bụng"
“Choáng váng quá! Thu nhập không cao hơn mà xăng dầu liên tục tăng giá, hàng hóa vì vậy cũng “té nước theo mưa”. Công nhân như chúng tôi đang phải “thắt lưng buộc bụng” từng đồng”, bà Trần Thị Mai (công nhân Khu công nghệ cao thành phố Thủ Đức) than thở.
Chỉ vào túi đồ ăn đi chợ cho buổi tối của 2 vợ chồng gồm một bó rau nhỏ, vài trái cà chua cùng mấy miếng đậu hũ, bà Trần Thị Mai giọn buồn buồn nói: “Giá cả leo thang như hiện nay nên vợ chồng tui ăn chay nhiều hơn ăn thị. Thay vì mua thực phẩm tươi sống, tôi thường mua trứng, đậu hũ hoặc loại khô cá gì đó cho tiết kiệm”.
Đồng cảnh ngộ, chị Phạm Thị Xuân Thúy cho rằng, lương công nhân may ba cọc, ba đồng mà phải chi quá nhiều khoản. Giờ giá khoản nào cũng tăng hơn trước.
Chị Phạm Thị Xuân Thúy tính nhẩm: “Tổng thu nhập của tui khoảng 7 triệu đồng/tháng. Nếu cộng thu nhập của 2 vợ chồng cũng được khoảng 14 triệu đồng/tháng. Trong đó, các khoản chi hàng tháng bao gồm: tiền phòng trọ hết 2,5 triệu đồng, tiền 2 đứa nhỏ đi học hàng tháng hết hơn 6 triệu. Còn lại là tiền ăn trong tháng cho cả nhà cùng tiền sữa của con nhỏ”.
Lau vội giọt mồ hôi lăn trên má, chị Thúy chia sẻ, với thu nhập và chi tiêu như vậy, chắt bóp dữ lắm một tháng dư được chút đỉnh để phòng khi đau ốm. Tuy nhiên, giá cả cao như hiện nay tui phải tiếp tục tiết kiệm và giảm chi những khoản không cần thiết.
Tại Đồng Nai, rảo quanh một vài khu chợ có đông khu công nhân sinh sống, phóng viên ghi nhận việc mua bán vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do giá cả tăng cao, người mua cũng dè sẻn hơn so với trước đây.
Anh Thạch Kim (quê Sóc Trăng) hiện đang làm công nhân tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho biết, do vợ không biết đi xe máy nên ngày nào anh cũng chở vợ đi chợ sớm trước khi đi làm. “Tôi không trực tiếp mua hàng nhưng nghe vợ bảo là nhiều mặt hàng tăng giá. Trước vợ hay mua ở sạp rau trong chợ, giờ ra ngoài mua của mấy người bán dạo cho rẻ hơn chút. Tiết kiệm được đồng nào tốt đồng đó anh ạ.”, anh Kim nói.
Chị Nhung, công nhân công ty TNHH Changshin Việt Nam cũng chia sẻ: “Lương thì nhiêu đó, thực phẩm thì lên, cầm mấy trăm ngàn đồng đi chợ loáng cái đã hết sạch. Giá cả hàng hóa tăng làm tụi em đi chợ cũng phải tiết kiệm hơn. Chỉ mua những thực phẩm cần thiết, giảm đi các khoản chi tiêu mua sắm khác”.
Khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng kinh doanh tạp hóa, siêu thị, tại một số khu công nghiệp (KCN) ở Bình Dương cho thấy, từ hơn một tháng qua, giá các mặt hàng thực phẩm như dầu ăn, mì gói, gạo, nước mắm; thịt, cá các loại…liên tục tăng cao. Nếu so với thời điểm trước Tết Nguyên đán tăng hơn 15-30%, cá biệt có những mặt hàng tăng 35-40%.
Việc các mặt hàng tiêu dùng tăng với mức “phi mã” như vậy đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Anh Bùi Văn Lợi, công nhân KCN Việt Hương (TP Thuận An) cho biết, anh việc ở đây được hơn 3 năm, tổng lương bao gồm cả thu nhập tăng thêm ngoài giờ mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Theo anh Lợi, giá cả các mặt hàng đã rục rịch tăng từ trước Tết, đặc biệt là khoảng 2 tuần nay, hầu như mặt hàng gì cũng tăng.
Anh Lợi hỏi người bán thì họ đều có chung giải thích là giá xăng tăng, chi phí đầu vào tăng nên kéo theo tất cả các mặt hàng đều tăng. “Thu nhập của gia đình vốn đã thấp, nay giá chi tiêu lên chóng mặt, nên gia đình tôi chỉ mua những mặt hàng cần thiết, hàng xa xỉ xem như không dám nghĩ tới”, anh Lợi bộc bạch.
Tiểu thương chia sẻ với công nhân
Ở góc độ người bán hàng bà Lê Thị Hạnh, chủ một quán tạp hóa tại một khu nhà trọ công nhân ở phường Vĩnh Phú, TP Thuận An cho biết, bà thuê ki ốt mỗi tháng 6 triệu đồng để bán hàng. Những mặt hàng này thường có mức lời ít, trung bình từ 3 - 7%, tùy từng mặt hàng. Nhưng bán cho công nhân phải chấp nhận bán với giá thấp hơn và lời cũng ít hơn nơi khác. Thậm chí, có những mặt hàng lấy vào tăng nhưng người bán không thể tăng được.
Bà Hạnh lấy ví dụ: “Nhập 1 thùng nước suối 24 chai hiện nay tăng thêm 7.000 đồng/thùng, bình quân mỗi chai tăng khoảng 300 đồng. Bình thường bà bán 5.000 đồng/chai, nếu muốn tăng lên theo tỷ lệ giá mua vào thì bà phải tăng ít nhất 300 đồng nữa. Nhưng khổ nỗi bán lẻ như vậy khách có tiền lẻ đâu mà đưa, người bán lấy tiền lẻ đâu mà thối lại. Còn nếu tăng lên 500 đồng thì quá cao”.
“Không thể tăng được nên đành chấp nhận giảm lại nhuận để giữ nguyên giá. Người bán hàng như chúng tôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn”, bà Hạnh buồn rầu nói.
Trao đổi với phóng viên, đa số tiểu thương đều khẳng định, việc tăng giá các mặt hàng là chuyện khó tránh khỏi. Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương bán rau, củ, quả ở chợ Tam Hiệp (TP Biên Hòa) cho biết, “khoảng 2 tuần nay, giá các mặt hàng rau củ quả nhập vào rất cao. Vì vậy, mình cũng phải điều chỉnh giá bán cao hơn. Theo tôi thấy, chỉ có rau củ quả, với cả trái cây là tăng giá, còn các mặt hàng như thịt, cá cũng có tăng đấy nhưng không tăng nhiều”.
Bà Duyên, một tiểu thương bán trái cây ở chợ Tân Hiệp (TP Biên Hòa) cũng khẳng định, việc xăng dầu tăng tác động đến giá cả rất lớn. Xăng dâu tăng thì chi phí vận chuyển đội lên. Theo bà Duyên, giá trái cây nhập vào hiện tăng mỗi loại khoảng 5-7 ngàn đồng/kg, cá biệt có những loại trái cây trái mùa tăng 10-15 ngàn đồng/1kg. “Chợ ở đây bán chủ yếu cho người lao động, công nhân là chính. Trái cây ở sạp vốn dĩ đã khó bán, nay giá tăng cao, lượng người mua cũng ít hẳn đi”, bà Duyên nói.