Công nhân trong đại dịch Covid-19: 'Chúng tôi biết sống sao'

NGUYÊN VŨ - HỮU ANH 01/08/2021 14:19

Không được giảm tiền thuê nhà trọ, không được chính quyền hỗ trợ nhu yếu phẩm do không có hộ khẩu, thậm chí tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 cũng chưa được nhận...

Tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, những ngày dịch bệnh hoành hành, đã khiến nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp phải dừng sản xuất, đóng cửa. Người công nhân là một trong những lực lượng ảnh hưởng nặng nề nhất, họ không có việc làm, bị cắt giảm lương, thậm chí bị mất việc làm. Nhiều lao động rơi vào hoàn cảnh bi đát, nếu không có những hỗ trợ kịp thời, cuộc sống của họ vô cùng bế tắc.

Trầy trật vì dịch bệnh

Chúng tôi có mặt ở một dãy trọ số 354/41/45 Phan Văn Trị, Phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM. Dãy trọ này có 6 phòng chủ yếu là công nhân lao động của Công ty TNHH MTV OneHeath. Kể từ khi chính quyền áp dụng Chỉ thị 16, họ phải ở nhà vì công ty tạm dừng sản xuất.

Chị Việt Quỳnh (35 tuổi) chia sẻ: “Tôi thuê trọ ở đây đã được hơn 1 năm, với chi phí 1 tháng 3 triệu đồng tiền thuê, ngoài ra chưa kể phí điện, nước, sinh hoạt khác. Kể từ ngày dịch bệnh ập tới, tôi phải ở nhà không lương. Đã nhiều ngày qua chúng tôi không được chính quyền địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm. Chủ yếu phải dùng tiền tích trữ, nhưng việc đi siêu thị để mua đồ cũng rất khó khăn do giãn cách”.

Tương tự, tại Quận 7, tại dãy trọ lụp xụp bằng tôn địa chỉ số 994A/39 Huỳnh Tấn Phát, nơi đây chủ yếu là công nhân làm ở Khu chế xuất Tân Thuận. Gần 1 tháng qua, đây là khu vực cách ly, họ phải sống thiếu thốn, vô cùng vất vả và khó khăn.

Dãy trọ 994A/39 Huỳnh Tấn Phát, nơi đây chủ yếu là công nhân làm ở Khu chế xuất Tân Thuận đã cách ly, phong toả gần 1 tháng qua.

Dãy trọ này có 20 phòng, mỗi tháng người thuê phải trả trên dưới 2 triệu đồng tiền thuê, điện, nước. Chị Cẩm Nhung kể với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, đã nhiều ngày qua, cuộc sống của gia đình chị chỉ chờ vào sự cứu trợ của các đoàn từ thiện.

Người chồng của chị làm phụ hồ với mức lương 1 tháng 4 triệu đồng chỉ tạm đủ duy trì cuộc sống từng tháng, nhưng nay cũng đã mất việc gần 2 tháng qua do dịch bệnh, nên bị mất nguồn thu nhập chính.

“Nếu không có những hỗ trợ rau, củ, gạo… từ sự kêu gọi của vợ chồng anh Bình (vợ chồng anh Bình là giáo viên, cũng thuê trọ tại đây, nhờ các mối quan hệ xã hội, vợ chồng anh đã kêu gọi được đoàn từ thiện tới để hỗ trợ bà con - PV) thì chúng tôi không biết sống sao”, chị Nhung nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dãy trọ địa chỉ 994A/39 Huỳnh Tấn Phát vẫn được chính quyền Quận 7 hỗ trợ nhu yếu phẩm, tuy nhiên, những thực phẩm của địa phương gửi chỉ những đối tượng có hộ khẩu thường trú mới được hưởng. Trong khi đó, dãy trọ này có rất nhiều lao động chưa có hộ khẩu.

Không chỉ tại TP HCM, công nhân tại các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch bệnh ập tới. Tại dãy trọ 12 phòng đường Huỳnh Văn Lũy (phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), nhiều công nhân ngụ ở đây cũng vô cùng chật vật, hàng tháng phải lo chi phí thuê trọ 1,5 triệu đồng.

Dù dính dịch Covid-19, một số người thuê trọ là công nhân thuộc Công ty THHH V&S đi làm ở lại công ty, thực hiện “3 tại chỗ”, cả tháng qua họ không về phòng trọ nhưng không được chủ trọ giảm bớt giá thuê.

Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng chưa có phương án nào để hỗ trợ cho lực lượng công nhân này. Tình cảnh này đang diễn ra tại rất nhiều dãy trọ của công nhân khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Khu nhà ở Đông Nam, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương
Khu nhà ở Đông Nam, phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Còn tại Đồng Nai, khi chúng tôi có mặt tại dãy trọ 8 phòng ở Khu phố 6, phường Long Bình, TP Biên Hòa, nhiều công nhân thuê trọ tại đây cho biết: Hàng tháng phải bỏ 4 triệu thuê trọ nhưng đợt dịch được chủ trọ giảm cho 50% tiền phòng.

Nhiều công nhân thuê trọ tại đây làm việc ở Công ty Taekwang Vina được công đoàn của công ty chi trả thêm 170 nghìn/ ngày trợ cấp dịch bệnh, còn chính quyền địa phương cứ vài ngày lại phát gạo và rau củ, quả... phục vụ nhu cầu ăn uống.

Để Nghị quyết đi vào đời sống

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Liên đoàn Lao động TP HCM, kể từ thời điểm bùng phát dịch Covid-19 có hàng vạn công nhân bị ảnh hưởng về thu nhập, việc làm.

Đối với Bình Dương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh này cho biết, trên địa bàn tỉnh này có 317 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, trong đó có 48 doanh nghiệp có F0. 41.203 lao động bị ảnh hưởng; 24.482 người bị nghỉ việc do trong khu phong tỏa ...

Tương tự, với tỉnh Đồng Nai số liệu từ Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai địa phương này có hơn 1.110 doanh nghiệp với hơn 320.000 lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều công ty buộc phải tạm dừng sản xuất do không đáp ứng được “3 tại chỗ” khiến nhiều công nhân mất việc, đời sống vô cùng khó khăn.

Các khu trọ tạm bợ, ẩm thấp, đời sống công nhân vô cùng khó khăn vất vả, cần được kịp thời hỗ trợ.

Để kịp thời giải quyết những khó khăn tại chỗ cho công nhân, chính quyền của TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã đề ra nhiều giải pháp trong đó có việc kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các tổ chức, đoàn thể để hỗ trợ.

Thực tế các địa phương đã có rất nhiều các biện pháp hỗ trợ cho nhóm đối tượng này nhưng để đảm bảo một cách chu toàn nhất thì rất khó vì số lượng quá lớn, nguồn nhân lực và vật lực không cho phép hoàn thành trong ngày 1, ngày 2.

Để việc hộ trợ cho công nhân đồng bộ trên cả nước, ngày 1/7, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các ban, ngành, địa phương đã nhanh chóng triển khai, thực hiện các biện pháp để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Đơn cử như Đồng Nai, địa phương này đã ban hành Quyết định số 2379 nêu rõ các đối tượng lao động tự do được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, kèm theo mẫu đơn đề nghị hỗ trợ và giấy cam kết (đối với người thường trú hoặc tạm trú ngoài địa bàn tỉnh Đồng Nai), hướng dẫn chi tiết trình tự làm hồ sơ, thủ tục.

Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người đối với NLĐ có thời gian nghỉ việc, mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên (chỉ hỗ trợ 1 lần/người).

Ngày 16/7, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục ban hành Văn bản số 8223 về việc triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, yêu cầu địa phương phải thông báo, rà soát thông tin đến các đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 2379 và cơ bản hoàn thiện việc hỗ trợ cho các đối tượng trước ngày 31/7.

Ngoài ra, để thuận lợi cho NLĐ trong việc hưởng chế độ, các TP, huyện, xã …linh động thực hiện chi trả bằng nhiều hình thức như: Ký nhận trực tiếp; giao tổ trưởng khu phố, ấp đi phát tại gia đình; giao qua bưu điện hoặc chuyển khoản qua ATM.

Khảo sát của phóng viên Đại Đoàn Kết dù mức hỗ trợ bằng tiền mặt cho mỗi NLĐ đã được quy định chi tiết và cụ thể tại Nghị quyết 68, nhưng hiện nhiều công nhân vẫn chưa nhận được số tiền trợ cấp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nhân trong đại dịch Covid-19: 'Chúng tôi biết sống sao'