Kể từ sau Hội nghị Ngoại giao 29 (2016), chúng ta đã đi được một nửa chặng đường trong việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) giai đoạn 2016-2020. Hai năm tuy không dài, nhưng công tác này đã đạt được những chuyển biến rõ rệt, đem lại nhiều thành công.
Ông Vũ Hồng Nam.
Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, thu hút nguồn lực kiều bào
Uy tín và vị thế quốc tế của nước ta ngày càng tăng đã và đang tạo điều kiện cho sự giao lưu, chia sẻ thuận lợi, nhanh chóng giữa NVNONN với đất nước. Thế và lực của đất nước cũng giúp khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước, tạo nguồn “cảm hứng” cho cộng đồng NVNONN tham gia vào quá trình phát triển đất nước. Cộng đồng NVNONN tiếp tục tăng về lượng và chất, đa dạng về thành phần. Số lượng du học sinh, lao động xuất khẩu, cô dâu Việt ngày càng tăng. Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt đang sinh sống và làm ăn ở trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế hệ thứ 2, thứ 3 trong cộng đồng ngày càng tăng và được học tập, đào tạo tại các cơ sở giáo dục ở các địa bàn sở tại, có trình độ và tay nghề tốt.
Cùng với thuận lợi, công tác NVNONN cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Từ bên trong, sự khác nhau về nhận thức về chủ trương của Đảng và Nhà nước khiến cho có nơi, có lúc và trên một số lĩnh vực, những quan điểm, chủ trương chưa chuyển thành hành động thực tế; việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức; công tác nắm tình hình ở nhiều địa bàn chưa sâu, có lúc thiếu nhạy bén... Ở bên ngoài, nổi lên một số yếu tố như chính sách di trú của một số quốc gia và vùng lãnh thổ được điều chỉnh theo hướng thắt chặt quản lý người nhập cư, có nơi “xét lại” các giấy tờ pháp lý đã cấp. Hội đoàn gặp vấn đề về đổi mới phương thức hoạt động; một vài nơi, tình trạng chia rẽ, mất đoàn kết vẫn tồn tại. Hoạt động của các tổ chức, cá nhân cực đoan có phần giảm về tần suất nhưng tăng về độ tinh vi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận NVNONN và mong muốn được ở lại làm việc, cư trú của một số sinh viên, lao động để lôi kéo họ tham gia các hoạt động chống phá Nhà nước.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan trong và ngoài nước, việc triển khai chương trình hành động của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trên tất cả các mặt công tác.
Việc nghiên cứu, thể chế hóa chủ trương bằng các kiến nghị chính sách như cụ thể hóa các điều kiện nhập tịch, trở lại quốc tịch theo hướng thuận lợi hơn cho NVNONN; tham gia các đề án nghiên cứu hỗ trợ NVNONN về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, củng cố địa vị pháp lý, chế độ chính sách đối với NVNONN có công; hỗ trợ duy trì tiếng Việt trong cộng đồng.
Công tác hỗ trợ kiều bào ổn định, hội nhập vào các địa bàn sở tại là một trong những nội dung làm việc quan trọng của các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo tâm lý yên tâm cho bà con ổn định cuộc sống ở các địa bàn sở tại và hướng về đất nước. Các hội đoàn tiếp tục được củng cố, phát triển ở diện rộng. Riêng năm 2017 có gần 20 Hội đoàn tổ chức Đại hội, 10 hội được thành lập mới; đặc biệt, đoàn kết trong cộng đồng tăng lên, nhất là tại một số địa bàn tồn tại mâu thuẫn nội bộ thì nay vấn đề đã được cơ bản giải quyết, lớp trẻ, doanh nhân bắt đầu tham gia vào bộ máy lãnh đạo hội đoàn (như tại Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...).
Công tác thông tin, văn hóa được đẩy mạnh với nhiều hình thức sáng tạo. Tạo điều kiện để các phóng viên kiều bào về đưa tin các hoạt động của đất nước. Nhiều hoạt động thường niên đã trở thành “thương hiệu” trong lòng kiều bào như: Xuân Quê hương, trại hè, thăm Trường Sa được đổi mới về nội dung thu hút nhiều kiều bào, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước trong cộng đồng. Đặc biệt, công tác dạy và học tiếng Việt được đặc biệt chú trọng. Hàng chục điểm trường, lớp tiếng Việt được tài trợ xây dựng, sửa chữa; hàng trăm giáo viên dạy tiếng Việt được hỗ trợ lương, hơn 200 giáo viên kiều bào được tập huấn về nghiệp vụ sư phạm; 60.000 bộ sách tiếng Việt; hàng trăm học bổng đại học và sau đại học được cấp cho con em kiều bào về học tại Việt Nam. Phong trào dạy và học tiếng Việt đã lan tỏa rộng khắp, góp phần duy trì tiếng Việt và truyền thống dân tộc ở khắp nơi. Tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Séc, Đài Loan… tiếng Việt được công nhận và giảng dạy như là ngoại ngữ thứ hai ở các trường phổ thông nơi có đông người Việt.
Bên cạnh những nguồn lực “truyền thống”với tổng lượng kiều hối hai năm lên đến gần 25 tỷ USD, tổng vốn đầu tư của NVNONN về trong nước ước tính khoảng 4 tỷ USD, công tác NVNONN đã có một số bước đột phá mới.
Các hội nghị, hội thảo được tổ chức với mục tiêu tập trung nguồn tri thức, tài chính của kiều bào vào giải quyết những vấn đề cụ thể, tại từng địa phương như: Hội nghị “Kiều bào chung sức xây dựng thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” (2016) thu hút 500 trí thức người Việt từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ về tham dự, đưa ra những giải pháp cụ thể cho những vấn đề của TP Hồ Chí Minh như giải quyết ùn tắc giao thông, phòng chống triều cường, “xây dựng chính phủ thông minh”, “tạo lập hệ thống chấm điểm hành chính quốc gia”, “ngân hàng ý tưởng”… và Chương trình “Thủ tướng gặp gỡ chuyên gia, trí thức và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu” đã được tổ chức thành công...
Tiếp tục triển khai toàn diện công tác về NVNONN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắn nhủ tại Hội nghị Ngoại giao 29: “Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng NVNONN là bộ phận máu thịt của dân tộc và mong đồng bào luôn hướng về quê hương, góp phần làm cho đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng phồn vinh và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân thế giới ngày càng thân thiết, bền chặt”. Muốn vậy, thời gian tới, công tác NVNONN cần tập trung vào 5 điểm quan trọng: Tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác NVNONN tới tất các các cơ quan, tổ chức, đoàn thể; tăng cường trao đổi thông tin, tư vấn giữa các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương... Trước mắt, cần tiếp tục nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất các chính sách liên quan đến việc gắn kết kiều bào với trong nước như vấn đề nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam và cải thiện môi trường đầu tư cho NVNONN.
Bên cạnh đó, hỗ trợ NVNONN ổn định cuộc sống, hội nhập vào các địa bàn sở tại, trong đó chú trọng việc nắm tình hình thế giới, khu vực có tác động đến việc thực hiện chủ trương, chính sách của ta; tình hình NVNONN; chủ trương và chính sách của các nước đối với kiều dân. Trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đưa nội dung vận động chính quyền các nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NVNONN vào các cuộc gặp, tiếp xúc, trao đổi song phương và đa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào hội nhập vào xã hội sở tại. Việc này đòi hỏi phải đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ chuyên sâu, nhạy bén cả ở trong nước và cả ở những địa bàn trọng điểm ở nước ngoài.
Cùng với đó, đồng hành và hỗ trợ hoạt động các hội đoàn NVNONN: Tiếp tục củng cố và phát huy những hội đoàn truyền thống; bồi dưỡng và kiện toàn ban lãnh đạo cho các hội đoàn mới thành lập. Phối hợp cùng MTTQ Việt Nam giới thiệu các đại biểu kiều bào tiêu biểu tham gia UBTƯ MTTQ khóa 9.
Thứ nữa là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến kiều bào trên cơ sở đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương tiện truyền thông, trong đó tận dụng các kênh mạng xã hội, lập kênh phát thanh, truyền hình phục vụ NVNONN bằng hệ thống truyền hình qua mạng IPTV hoặc hệ thống truyền hình của nước sở tại.
Cuối cùng, tăng cường thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, đặc biệt là từ trí thức, doanh nhân, kiều bào trẻ phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước: xác định rõ nhu cầu thực sự của các bộ, ngành, địa phương; có đầu mối đủ thẩm quyền hỗ trợ, kết nối trí thức, doanh nhân; tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp kiều bào với doanh nghiệp trong nước để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, làm cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế…