Năm 2017 được đánh giá là năm thành công với nhiều hoạt động nổi bật trong công tác Mặt trận. Những kết quả đó một lần nữa khẳng định tính đúng đắn, nhất quán, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi các hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận được thực hiện quy củ, bài bản và khoa học.
Nhân dịp bước vào năm mới 2018, báo Đại Đoàn Kết xin điểm lại một số hoạt động nổi bật của các vị lãnh đạo MTTQ Việt Nam trong năm 2017 dưới góc nhìn báo chí.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6, khoá VIII.
1. Tại, Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 6, khoá VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những đóng góp của MTTQ Việt Nam trong thành công của Đại hội lần thứ 12 của Đảng, tham gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tổng Bí thư cũng khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, chúc mừng những kết quả đạt được của công tác Mặt trận thời gian qua và tin tưởng MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong giai đoạn mới cùng Đảng, Nhà nước và toàn dân thực hiện tốt các mặt kinh tế xã hội năm 2017 góp phần đưa Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng vào cuộc sống.
Qua góp ý tại Hội nghị, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thấy có 11 nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện trong năm 2017 trong đó có nhiều nội dung đổi mới.
Cũng tại Hội nghị này, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo phát động giải Báo chí Toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM chúc mừng tân Chủ tịch Trần Thanh Mẫn.
2. Ngày 10/5, tại Hội trường Thành ủy TP HCM, Bộ Chính trị đã công bố quyết định phân công ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về giữ chức vụ Bí thư Thành ủy TP HCM.
Trong phát biểu tại lễ công bố quyết định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ Chính trị đã họp bàn các phương án, sau đó thống nhất 100% phân công ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư Thành ủy TP HCM.
Ngày 22/6, ngay sau khi được Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 7 hiệp thương cho thôi chức Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chúc mừng Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn được Hội nghị hiệp thương cử làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019 với tỷ lệ tán thành 100%.
Tạm biệt mái nhà chung Mặt trận, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ những tình cảm sâu sắc với tập thể cán bộ, công nhân viên UBTƯ MTTQ Việt Nam. “Tôi đã học hỏi được rất nhiều trong thời gian công tác ở Mặt trận, và mong người kế nhiệm Trần Thanh Mẫn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm bà con vùng trung tâm lũ lụt tỉnh Sơn La (Ảnh: Quang Vinh).
3. Năm 2017 đất nước gặp nhiều thiên tai, bão lũ. Từ những vụ sạt lở đất kinh hoàng ở các tỉnh miền núi phía Bắc cho đến những trận cuồng phong ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ.
Trước cảnh màn trời chiếu đất của bà con vùng bị thiên tai, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra lời kêu gọi; đồng thời cử các đoàn đến các địa phương để tổ chức cứu trợ.
Đối với bà con nhân dân bị ảnh hưởng bởi lũ quyét, lũ ống của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đi thị sát, kiểm tra công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân.
Tại tỉnh Hòa Bình, thay mặt Ban Cứu trợ Trung ương, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gửi lời thăm hỏi, chia sẻ trước những mất mát đau thương của các gia đình có người bị chết và mất tích, đồng thời trao tiền hỗ trợ cho 2 hộ dân có nhà bị sụp đổ hoàn toàn với số tiền 40 triệu đồng/căn, và trao hỗ trợ cho các gia đình có người chết và bị thương trên địa bàn.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Cường cùng chung tay giúp bà con vượt qua khó khăn sớm ổn định cuộc sống, tìm kiếm những người bị mất tích để những gia đình bị thiệt hại vơi đi nỗi đau thương, mất mát.
Đến thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu nhằm nắm bắt tình hình và công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ và sạt lở đất trên địa bàn, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh các tỉnh đã kịp thời cứu hộ, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân sau mưa lũ, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong thời gian tới, các tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề quy hoạch dân cư theo hướng thay đổi thói quen sinh hoạt để chủ động phòng tránh lũ ống, lũ quét, bên cạnh đó quan tâm đến việc tái định cư cho người dân đảm bảo đầy đủ điện, đường, trường, trạm.
Người đứng đầu Mặt trận khẳng định, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp nhận hỗ trợ để có thêm nguồn lực giúp các địa phương bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống; đồng thời đề nghị UBMTTQ các tỉnh theo dõi, nắm chắc tình hình thiệt hại do mưa lũ kịp thời phản ánh với cấp uỷ, chính quyền và UBTƯ MTTQ Việt Nam để có những sự hỗ trợ kịp thời đối với người dân vùng lũ.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các tỉnh cũng cần quản lý, sử dụng nguồn quỹ cứu trợ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, các địa phương cần có các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, đảm bảo ổn định cuộc sống, giữ vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh; đảm bảo an ninh trật tự, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động gây mất an ninh trật tự ở địa phương….
Ủy ban MTTQ các địa phương cũng cần nắm chắc đời sống người dân, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để vận động, ủng hộ, giúp đỡ kịp thời.
4. Tại hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 3, năm 2017, diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, nhân dân Campuchia - Lào - Việt Nam cùng uống chung dòng nước của sông Mê Kông. Dòng sông này là tài sản chung quý giá, đem lại cho cuộc sống ấm no và tạo nên nhiều điểm tương đồng về văn hóa mang đậm tính nhân văn trong đời sống của nhân dân 3 nước.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn hội nghị là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Mặt trận 3 nước, góp phần thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc vào thành công của “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia” và “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào”.
Hội nghị cũng là dịp để Mặt trận 3 nước cùng chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, cùng xây dựng các nguyên tắc, nội dung cơ bản để định hướng cho mối quan hệ giữa ba tổ chức Mặt trận trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, Mặt trận mỗi nước cần tăng cường hơn nữa việc tổ chức vận động, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Campuchia - Lào - Việt Nam, không để cho các thế lực xấu bôi nhọ, làm sai lệch mối quan hệ tốt đẹp giữa 3 nước, góp phần thắt chặt quan hệ giữa ba nước ngày càng bền vững.
Hợp tác giữa Mặt trận 3 nước cần hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, kết nối giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu của mỗi nước, gắn chặt với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; hướng dẫn các địa phương ở dọc đường biên giới của từng nước triển khai hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trên các lĩnh vực; cùng giữ gìn an ninh, trật tự đường biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển.
Ngoài duy trì thường xuyên việc trao đổi đoàn đại biểu cấp cao của ba Mặt trận thăm hữu nghị lẫn nhau, cần tăng cường trao đổi các đoàn cán bộ Mặt trận ở Trung ương, các địa phương sang thăm, hợp tác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm công tác Mặt trận.
“Bên cạnh đó, tổ chức Mặt trận 3 nước cần phối hợp để cùng xây dựng cộng đồng ASEAN hướng về người dân; xây dựng tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước, nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, vì sự phát triển phồn thịnh và bền vững của các quốc gia, dân tộc”- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh thăm mô hình ươm giống tại Công ty cổ phần phát triển nông lâm nghiệp và môi trường Việt Nam, tại Vị Xuyên, Hà Giang.
5. Để biểu dương, tôn vinh những cán bộ cơ sở có nhiều đóng góp cho các hoạt động Mặt trận, tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch MTTQ và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cho rằng, đây là sự kiện thiết thực thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam; đồng thời cũng là dịp để Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam tôn vinh, ghi nhận về những thành tích đóng góp nổi bật của Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017.
“Những cán bộ được tôn vinh dịp này không chỉ có bề dày thành tích mà còn mang đến rất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, những mô hình hoạt động tiêu biểu trong công tác Mặt trận ở cơ sở. Những đóng góp thầm lặng, sự hy sinh to lớn của hơn 100.000 cán bộ Mặt trận cơ sở và Ban Công tác Mặt trận thời gian qua đã là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng, phát huy, củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc” - Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, còn rất nhiều tấm gương tiêu biểu, những việc làm cao cả, những hành động đẹp, những sáng kiến đóng góp cho cộng đồng và mỗi người cán bộ Mặt trận ở cơ sở mặc dù có cách thể hiện khác nhau về phương thức, cách làm, nhưng họ đều thấm nhuần, vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về công tác Mặt trận, để từ đó đẩy mạnh các Cuộc vận động, các phong trào của Mặt trận đi vào lòng dân và mang lại những hiệu quả thiết thực nhất.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh tặng hoa Phó Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước Khambay Đămlăt.
6. Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển năm 2017, hai đoàn đại biểu cấp cao của UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh dẫn đầu đã tới Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Phao để trực tiếp trao 20 suất quà cho đồng bào dân tộc của huyện Bua Lạt Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào). Mỗi suất quà tặng đồng bào trị giá 2 triệu đồng và 1 chiếc chăn ấm.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chia sẻ, đây là những món quà tình cảm của nhân dân Việt Nam gửi tới đồng bào dân tộc Lào anh em.
Mong rằng những món quà nhỏ bé nhưng đong đầy tình nghĩa sẽ giúp bà con vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là một sự kiện chính trị quan trọng trong “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị thủy chung trong sáng, tình đồng chí anh em thân thiết giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Phát huy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vốn có từ lâu đời, được nhân dân hai nước dựng xây qua nhiều thế hệ.
Đặc biệt, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và Hoàng thân Xuphanuvông dày công vun đắp, trở thành mối tình hữu nghị, hợp tác đặc biệt, thể hiện tình đoàn kết mẫu mực, trong sáng, thủy chung và bền vững của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
7. Sau 17 năm tổ chức, chương trình “Chung tay vì người nghèo” đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội về việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thông qua phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chương trình đã vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ thông qua Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp hơn 13 nghìn 400 tỷ đồng và ủng hộ trực tiếp thông qua chương trình an sinh xã hội ở địa phương được hơn 36.213 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng gần 1 triệu 500 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về tư liệu sản xuất, xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh...
Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương, MTTQ đặt mục tiêu không chỉ hỗ trợ xây cho người nghèo một căn nhà, hỗ trợ cho họ một khoản tiền mà còn phải giúp cho người nghèo tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin xã hội, cuộc sống để họ biết cách thức làm ăn, có nghị lực vươn lên giảm nghèo bền vững.
“Chúng tôi thường gắn với các chương trình mục tiêu để hỗ trợ thêm. Ví dụ, chương trình giảm nghèo của các huyện nghèo theo quyết định 30a của Chính phủ hoặc hỗ trợ cho hộ nghèo ở huyện nghèo có quyết định 167, làm nhà cho huyện nghèo. Mặt trận phối hợp với chính quyền, phân công đoàn viên, hội viên, hỗ trợ nhau, giúp đỡ nhau theo từng nhóm, từng đoàn thể” - Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nói.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực tại buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Quy chế “MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, Đảng viên ở khu dân cư”.
8. Trong năm 2017, UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng đại diện các cơ quan gồm: Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã làm việc với một số địa phương về việc công khai kết luận thanh tra đã gặt hái được nhiều thành công.
Tại các địa phương, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng: “Công khai cũng có tác dụng thiết thực, bởi không có tác dụng thì thanh tra cũng chỉ mang tính hình thức, không hiệu quả. Công khai kết quả thanh tra phải giúp chuyển biến nhận thức của đối tượng thanh tra, đối tượng được thanh tra và các cơ quan thuộc hệ thống chính trị”.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đánh giá cao ngành Thanh tra đã quán triệt triển khai công khai kết luận thanh tra. Thông qua hoạt động thanh tra, những vụ việc quan trọng đã được thực hiện, đồng thời có sự chỉ đạo thực hiện sau kết luận.
Tuy nhiên, ngành Thanh tra cũng cần đặc biệt quan tâm đến thông tin trên trang điện tử, những vụ việc được dư luận quan tâm, giảm bớt tính hình thức cũng như giảm bớt các thủ tục hành chính.
9. Từ thực tiễn triển khai quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư” một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của Mặt trận để làm trong sạch đội ngũ cán bộ ngay từ cơ sở.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, chủ trương của MTTQ Việt Nam khi giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
“Hoạt động giám sát là dịp để giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các tổ chức trên địa bàn cấp xã nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý để kịp thời xử lý những sai phạm, ngăn chặn và phòng ngừa những hiện tượng tiêu cực; đồng thời có hướng bồi dưỡng, xây dựng văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thăm khu bếp ăn tập thể Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
10. Việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị lịch sử của MTTQ Việt Nam, biểu tượng của tinh thần đoàn kết có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Tại hội thảo “Xây dựng Đề án thành lập Bảo tàng MTTQ Việt Nam tại 46 Tràng Thi, Hà Nội” do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, việc ra đời của Bảo tàng MTTQ Việt Nam sẽ là cơ hội để MTTQ Việt Nam sưu tầm nguồn tài liệu, hiện vật phong phú.
Bảo tàng sẽ là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, khơi dậy ý thức cộng đồng trong mỗi người dân Việt Nam.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, việc xây dựng Bảo tàng MTTQ Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu về tuyên truyền giáo dục truyền thống, nhất là truyền thống yêu nước, đại đoàn kết dân tộc được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử, được khơi dậy, phát huy, tập hợp trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Đồng thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các bậc lão thành, cán bộ Mặt trận nhiều thế hệ và của nhân dân.
Đặc biệt, với mỗi người cán bộ Mặt trận, Bảo tàng MTTQ Việt Nam vừa là niềm tự hào, vừa nhắc nhở mỗi người cần nỗ lực cống hiến hơn nữa, đóng góp sức lực, trí tuệ, tâm huyết của mình vào công tác Mặt trận để viết tiếp những trang sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong thời đại mới.
“Việc ra đời của Bảo tàng MTTQ Việt Nam sẽ là cơ hội để MTTQ Việt Nam sưu tầm nguồn tài liệu, hiện vật phong phú, quý giá hiện đang phân tán, rải rác nhiều nơi để lưu giữ, bảo quản và khai thác lâu dài. Đồng thời, Bảo tàng sẽ là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, khơi dậy ý thức cộng đồng trong mỗi người dân Việt Nam, từ đó góp phần củng cố, xây dựng niềm tin trong nhân dân, tạo thành sức mạnh vô song và tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế” - Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Mùa Giáng sinh năm 2017, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đến thăm các xứ đạo, gặp gỡ các vị giám mục, linh mục, tu sĩ, mục sư, các chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo, tín hữu Tin lành trong cả nước. Từ 1/1/2018, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực. Vì vậy, mùa Giáng sinh 2017 có thêm ý nghĩa mới. Tại những nơi đến thăm, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các vị chức sắc tôn giáo với uy tín, vị trí và vai trò của mình tiếp tục vận động, tạo điều kiện cho các vị linh mục, nam nữ tu sĩ, bà con có đạo tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam... Tại Tòa Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự đóng góp của Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh Bùi Văn Đọc và đồng bào Công giáo tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ mong muốn, với uy tín của mình, Tổng Giám mục tiếp tục vận động các vị linh mục, tu sĩ cùng đồng bào Công giáo tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua của MTTQ cũng như các ngành phát động; tiếp tục gắn bó, tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu chung xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Thăm Hồng y Phạm Minh Mẫn- nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chúc mừng lễ Giáng sinh an lành, ấm áp tới Hồng y, đồng thời bày tỏ mong muốn Hồng y tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước, dân tộc. Đáp lại, Hồng y Phạm Minh Mẫn chia sẻ, bản thân Hồng y cũng như mọi đồng bào Công giáo đều ý thức rằng muốn làm người Công giáo tốt phải là công dân tốt. Vì vậy, đồng bào Công giáo luôn mong muốn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. |