Trong tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đối với 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; được áp dụng từ 1/1/2020. Vấn đề được đặt ra là làm sao lựa chọn được cán bộ có trình độ vào bộ máy khi sắp xếp. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Hòa- Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trong lựa chọn cán bộ phải đúng quy trình, quy định, cán bộ phải được sự tín nhiệm của cấp trên, cấp dưới và nhân dân.
Ông Phạm Văn Hòa Ả. Ảnh: Quang Vinh.
PV:Thưa ông, là một thành viên thẩm tra Nghị quyết trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua, vậy theo ông làm sao để việc lựa chọn cán bộ sau sắp xếp được chính xác chọn được người tài, cán bộ có chất lượng?
Ông Phạm Văn Hòa: Trong việc hợp nhất các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đủ hai tiêu chí, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua để cho các địa phương tổ chức, thực hiện. Làm sao để sau khi sáp nhập 2 hoặc 3 đơn vị thành 1 đơn vị, mỗi địa phương có quyết tâm chính trị trong phân công bố trí nhiệm vụ cán bộ đảng viên, công chức viên chức. Tôi cho rằng đây là điều hết sức quan trọng vì có tỉnh sáp nhập nhiều xã, nhưng có tỉnh sáp nhập nhiều huyện nên số cán bộ không chuyên trách và chuyên trách bị dôi dư khá lớn. Do đó giải quyết chế độ chính sách cho họ như thế nào để họ an tâm khi không được bố trí.
Riêng đối với những cán bộ được bố trí công việc mới, điều quan trọng cần sự chọn lựa khách quan, công tâm, vô tư, không để “lọt người tài, chọn người nhà”. Điều đó đòi hỏi tập thể lãnh đạo cấp ủy, Ban Thường vụ, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong lựa chọn, bố trí cán bộ. Vì 2 xã nhập lại sẽ dôi ra 1 Bí thư, 1 Chủ tịch vậy chọn ai làm Bí thư? ai làm Chủ tịch? là điều quan trọng, tránh vấn đề dư luận đang đặt ra hiện nay là chọn người nhà, không chọn người tài. Theo tôi, đầu tiên phải xem xét công tác quy hoạch, bố trí chọn người nằm trong quy hoạch, có đào tạo bài bản đúng theo quy định, quy trình. Khi chọn lựa phải bàn bạc cụ thể, có ý kiến của tập thể, cơ quan tổ chức, quần chúng. Như vậy mới chọn được người tài, có tâm, tầm, có đạo đức, lối sống lành mạnh được cán bộ đảng viên và nhân dân tin tưởng để đảm đương công việc. Tránh việc so bì khi giải quyết chính sách cho cán bộ dôi dư, hay bố trí cán bộ sang nhiệm vụ mới.
Khi sáp nhập 2 hay 3 xã vào 1 chỉ có 1 Bí thư và 1 Chủ tịch, điều đó rất cần vai trò của cấp ủy cấp trên trong lựa chọn cán bộ. Như vậy có cần quy định trách nhiệm cho cấp ủy cấp trên trong lựa chọn cán bộ, thưa ông?
-Cấp ủy cấp trên có trách nhiệm trong bố trí cán bộ. Bố trí cán bộ nào? là ai? để tránh so bì, so đo, không để mất người tài, lọt người nhà là vấn đề đang được đặt ra. Cho nên trong bố trí cần lựa chọn người có đức, có tài, có tâm, có tầm được cán bộ và nhân dân tín nhiệm, khen ngợi, đặc biệt cán bộ đó phải nằm trong diện quy hoạch. Muốn vậy, người đứng đầu cấp ủy cấp trên có vai trò quan trọng, chọn lựa cán bộ cốt cán, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó phát huy vai trò của các cơ quan tham mưu, tổ chức, kiểm tra, các ban của Đảng giúp cho Ban Thường vụ chọn lựa bố trí Bí thư, Chủ tịch là cấp dưới của mình đúng theo quy trình, chất lượng, tiêu chuẩn, quy định về công tác cán bộ đã được Đảng ban hành.
Khi sáp nhập chắc chắn bước đầu sẽ có sự xáo trộn về mặt tổ chức, và quá trình tổ chức thực hiện. Vậy làm sao để việc sáp nhập không bị nhiều xáo trộn, làm ảnh hưởng tới công việc chung khi đại hội Đảng bộ ở cơ sở đang đến gần thưa ông?
-Hiện trong đề án Chính phủ trình đã tính đến vấn đề này và có ý kiến khá cụ thể. Nhưng vấn đề chính là chọn con người như tôi nói ở trên. Bên cạnh đó là bố trí công tác cán bộ hiện tại để đảm đương nhiệm vụ sắp tới khi sáp nhập 2 hay 3 xã làm 1. Người đó ở đâu? thế nào? tôi nhắc lại là phải cụ thể, rõ ràng, công tâm và khách quan, vô tư. Quan trọng cán bộ đó phải được sự thống nhất của cấp trên, được sự tín nhiệm của cấp dưới và nhân dân. Khi bố trí rồi bước đầu có khó khăn nhưng dần dần phải đi vào nề nếp, đảm đương được công việc hiện tại.
Có một số lượng cán bộ bị dôi dư sau sáp nhập, theo ông công tác tư tưởng phải như thế nào để cán bộ không bị tâm tư, so bì người này với người kia?
-Việc đầu tiên là công tác tư tưởng. Mọi người phải được làm công tác tư tưởng, để cho họ an tâm, nhất là với những người dôi ra, để họ chọn công việc khác phù hợp với trình độ, khả năng của họ. Đồng thời cũng phải làm công tác tư tưởng đối với người được bố trí công việc mới. Bởi trước đây xã có diện tích nhỏ, dân số ít bây giờ nhập lại diện tích và dân số sẽ cao lên, công việc khó khăn và nhiều hơn. Điều đó đòi hỏi cán bộ được bố trí công việc mới phải có đức, có tài, và được sự tín nhiệm của cấp trên và nhân dân.
Trân trọng cảm ơn ông!