Từ bao đời nay, voi không chỉ là loài vật gắn bó mật thiết với đời sống của con người, đặc biệt là đồng bào Tây Nguyên, mà voi còn có nhiều công trạng những tháng năm kháng chiến.
Già làng Y Thơng KĐơh (sinh năm 1953 ở Bản Đôn - nay là buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) kể: Bản Đôn- (nay là xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) từ lâu đã nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây đã có hàng trăm chú voi tham gia phục vụ kháng chiến.
Năm 1975, khi 25 tuổi, già làng Y Thơng đã có 2 lần điều khiển voi chở hàng hóa giúp bộ đội vào khu căn cứ cách mạng. Mỗi lần đi tiếp tế lương thực cho bộ đội, voi phải mang trên mình hàng trăm tấn hàng hóa, vượt núi băng rừng, bơi qua sông, lội qua suối, đi hàng trăm km để đưa nhu yếu phẩm đến các khu căn cứ cho cách mạng. Có lần sợ địch mai phục phát hiện, ông phải điều khiển voi đi lách đường rừng rậm rạp lúc nửa đêm; bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, đường có lầy lội và khó khăn cỡ nào voi cũng đi được hết.
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ không chỉ có Y Thơng mà còn nhiều già làng, tù trưởng – những người sở hữu và chăm sóc voi khác cũng đã đưa voi tham gia kháng chiến.
Già làng Y Thư Byă (sinh năm 1942, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xã Krông Na thời kì 1999-2008) cho biết: Trong kháng chiến chống Mỹ, bố và anh trai ông đều tham gia cách mạng, bản thân ông là đội trưởng đội du kích xã Cư Mĩng thuộc K61-H5 (nay là xã Krông na), lúc đó ông thường đi tuyên truyền vận động bà con trong buôn, nhà ai có voi tham gia phục vụ kháng chiến; gia đình ông đã có 6 chú voi tham gia chở hàng hóa, vải vóc lương thực, vũ khí, thuốc men vào các căn cứ của cách mạng.
Theo già làng Y Thư Byă, đồng bào Tây Nguyên có truyền thống cách mạng, với tình yêu và lòng tự hào dân tộc, đã không tiếc sức người, sức voi để phục vụ cách mạng. Những gru (dũng sĩ) săn voi, những chủ voi nổi tiếng ở Tây Nguyên đều hết lòng ủng hộ cách mạng bằng nhiều cách: dùng voi phục vụ chuyên chở hoặc tặng voi cho cách mạng để làm phương tiện vẫn chuyển lương thực, vũ khí. Ama Kông – một huyền thoại săn voi của Tây Nguyên – không chỉ nổi tiếng vì tài thuần dưỡng voi rừng mà còn có nhiều đóng góp to lớn trong việc đưa voi giúp đỡ bộ đội vận chuyển hàng phục vụ kháng chiến.
“Đáng kể nhất, ở Bản Đôn ngày ấy là bà Sao Thông Chăn (đã mất), (nay là buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) – một “mỹ nhân buôn voi” nổi tiếng Đông Dương là cơ sở bí mật của cách mạng, cung cấp nhiều thông tin, vật chất cần thiết và đưa voi vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội, góp công giải phóng quê hương Đắk Lắk. Bà Sao Thông Chăn đã từng huy động hàng chục chú voi và hàng trăm người làm thuê cho bà tham gia vận chuyển quân lương trong các chiến dịch”, già làng Y Thơng kể. Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông na, huyện Buôn Đôn thông tin thêm: “Với công lao to lớn đối với cách mạng, bà Sao Thông Chăn vinh dự được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.”
Theo già làng Y Thơng, một trong những công trạng lớn nhất của voi trong kháng chiến là khả năng vận chuyển vũ khí, lương thực, đạn dược và nhu yếu phẩm qua những cung đường rừng núi hiểm trở mà xe cơ giới không thể tiếp cận. Trong hoàn cảnh thiếu thốn phương tiện, voi đã trở thành “xe tải” sống, mang trên lưng hàng trăm kilôgam hàng hóa, vượt núi băng rừng, vượt suối để đưa nhu yếu phẩm đến các khu căn cứ cách mạng.
Không chỉ là phương tiện vận tải, voi còn trực tiếp tham gia vào các trận đánh. Trong một số trận tập kích đồn địch, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, những đoàn voi được huấn luyện kỹ lưỡng đã được sử dụng để áp sát vị trí quân địch, tạo nên yếu tố bất ngờ và làm gián đoạn thế phòng thủ của đối phương. Sự xuất hiện bất ngờ của voi giữa rừng sâu khiến kẻ thù hoang mang và mất tinh thần chiến đấu.
“Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, nhiều chủ voi và những chú voi trung thành đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Những cái tên như voi Pak Cú, voi Bun Kon... đã được nhắc lại với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc của bao thế hệ người dân Tây Nguyên và chiến sĩ cách mạng”, già làng Y Thư Byă nhớ lại.
Voi không chỉ góp phần đáng kể vào việc vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược cho cách mạng. Voi còn là người bạn thân thiết, gần gũi đối với đồng bào ở Bản Đôn. Trong đời sống hàng ngày, voi còn giúp bà con kéo gỗ làm nhà, vận chuyển hàng hóa, voi còn là phương tiện chở người thay cho cơ giới đi trong rừng, suối để làm nương, làm rẫy.
“Người dân Bản Đôn quý voi lắm, hàng năm buôn đều cúng sức khỏe cho voi; bà con coi voi như bản thân của mình, xem voi là một thành viên trong gia đình. Nếu voi chết, bà con chỉ chôn cất chứ không ăn thịt”, nhắc tới voi già làng Y Thơng không khỏi tiếc thương.
Voi của già làng Y Thư Byă và già làng Y Thơng tuy không còn nữa nhưng trong tâm trí của họ vẫn còn lưu giữ hình ảnh những chú voi kiên cường vượt đèo, xuyên rừng, đứng trầm mặc bên bếp lửa rừng, hay khom mình để bộ đội đặt hàng lên lưng. Những hình ảnh ấy trở thành biểu tượng đẹp của lòng trung thành, của sự hy sinh thầm lặng mà cao quý.
Công trạng của voi – dù là trong chiến tranh hay thời bình – đều xứng đáng được trân trọng và gìn giữ. Bảo vệ voi hôm nay không chỉ là gìn giữ một loài động vật quý hiếm, mà còn là gìn giữ một phần hồn của núi rừng, của văn hóa và lịch sử Tây Nguyên.