Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn với tổng nguồn vốn gần 14 tỷ đồng được đầu tư xây dựng tại xã ven biển Kim Hải, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) khởi công năm 2010, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2013. Mục đích, nhằm khắc phục tình trạng khó khăn về nguồn nước ngọt đối với 915 hộ dân xã Kim Hải và một số khu vực phụ cận. Song, nhà thầu thực hiện được khoảng 80% khối lượng thì dự án này bị đình trệ.
Tháp nước ở Kim Hải đang mặc cho mưa nắng huỷ hoại.
Thiếu nước ngọt trầm trọng
Xã Kim Hải “khai sinh” năm 1986. Sau ngày ra đời, bà con tới lập nghiệp trên vùng đất mới phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do nguồn nước mặt nhiễm mặn. Trước thực trạng trên, Unicef tài trợ cho địa phương này 10 giếng khoan. Tiếp đó, Chi cục phát triển nông thôn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình khoan thêm cho toàn xã Kim Hải 230 giếng khác. Theo người dân xã Kim Hải thì thời kỳ đầu, họ đưa rọ xuống độ sâu khoảng 10m sẽ bơm được nước ngọt. Nhưng sau một vài năm, các hộ gia đình phải đưa rọ xuống độ sâu 20m mới có nước để bơm. Và rồi, nguồn nước ngọt cạn kiệt dần do tụt tầng đá. Vậy nên trong hơn 240 giếng khoan trên địa bàn xã Kim Hải hiện chỉ còn khoảng 100 giếng có thể sử dụng được.
Ông Đoàn Văn Hữu, trú xóm II, xã Kim Hải cho biết: Giếng của gia đình ông phải khoan sâu xuống lòng đất tới 76m mới có nước. Song, mấy năm gần đây, chỉ vào mùa mưa giếng mới có nước, nhưng phải bơm 3-4 giờ mới được 1m3, nước lại bị nhiễm phèn. Khi mùa đông về, chiếc giếng khoan hoàn toàn mất tác dụng. Ông Hữu nói: “Nhà tôi ở cách vị trí xây dựng công trình cấp nước chưa đầy trăm mét. Lúc khởi công dự án vào năm 2010, toàn dân Kim Hải rất phấn khởi. Vì theo thông báo về tiến độ thi công, chỉ mất 3 năm, cả xã sẽ được dùng nước sạch thoải mái. Nhưng chả hiểu sao, nhà máy gần đến giai đoạn hoàn thành thì nhà thầu bỏ mặc, để công trình hoang hoá gần 4 năm qua”.
Trước khó khăn trên, mỗi hộ gia đình ở Kim Hải đều phải đầu tư xây dựng bể chứa từ 8-10m3 để hứng nước mưa. Nguồn nước ngọt phụ thuộc hoàn toàn vào ông trời, bà con sử dụng tiết kiệm từng giọt. Nhưng không phải năm nào cũng đủ nước ăn trong cả năm. Là vì, có những năm thời tiết khô hạn kéo dài, bể chứa lại nằm trong giới hạn cho phép. Ông Đoàn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải cho biết: Không ít năm, vào mùa khô, người dân địa phương phải đi xa 3-4km để xin nước ngọt về dùng.
Chưa có hướng xử lý
Cũng theo ông Đoàn Văn Tuấn không riêng người dân xã Kim Hải gặp khó khăn về nguồn nước ngọt. Các xã lân cận như Kim Đông, Kim Chính, thị trấn Bình Minh cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Riêng Kim Hải thuộc vùng kinh tế mới với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 40% dân số nên được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt. Dự án do Chi cục phát triển nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT Ninh Bình làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn gần 14 tỷ đồng; trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ hơn 12,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của cư dân địa phương gần 1,4 tỷ đồng.
Công trình khởi công vào năm 2010, dự kiến đưa vào khai thác năm 2013. “Nhà thầu thi công khá nhanh, tới năm 2012 cơ bản đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng. Nhưng cũng từ đó, họ lặng lẽ bỏ đi. Tại các kỳ tiếp xúc cử tri, nhân dân, chính quyền địa phương liên tục phản ánh đến các đại biểu HĐND cấp huyện, tỉnh. Song hiện nhà máy sản xuất nước này vẫn đang mặc cho mưa nắng huỷ hoại”- ông Tuấn nói.
Báo cáo của Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở NN&PTNT Ninh Bình xác nhận: Công trình cấp nước sinh hoạt nói trên khi đi vào hoạt động sẽ cấp nước sinh hoạt cho hơn 3.000 nhân khẩu xã Kim Hải, hai đơn vị quân đội và một phần cư dân thị trấn Bình Minh với công suất 60 lít/người/ngày. Hiện tại, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành các hạng mục gồm: Cổng, tường rào, san nền, các hạng mục phụ trợ, nhà quản lý vận hành, nhà chứa hoá chất, cụm lắng lọc, bể chứa nước sạch, đài nước, bể thu bùn, trạm bơm cấp I, hệ thống điện ngoài trạm, trạm biến áp và một số tuyến đường ống…
Tổng khối lượng đã giải ngân là 10,78 tỷ đồng. Hiện nay còn thiếu phần thiết bị với giá trị khoảng hơn 3 tỷ đồng, trong đó có phần đóng góp của nhân dân xã Kim Hải 1,39 tỷ đồng. Như vậy, thực tế phần vốn của Nhà nước đối với công trình này chỉ còn thiếu khoảng hơn 1,6 tỷ đồng.
Ông Tống Xuân Toán - Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường tỉnh Ninh Bình (đơn vị được giao quản lý dự án) nói: “Đến năm 2015, nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia không còn là nguyên nhân dẫn tới việc công trình bị đình trệ. Chúng tôi tính toán, kêu gọi nguồn xã hội hoá, kêu gọi Công ty cổ phần cấp thoát nước Ninh Bình tiếp tục đầu tư phần còn lại và đưa dự án đi vào hoạt động”. Thế nhưng theo đại diện chính quyền xã Kim Hải thì doanh nghiệp nêu trên đã về khảo sát và ra đi.
Điều đáng nói nguồn vốn còn lại không phải quá lớn, UBND tỉnh Ninh Bình cần xem xét thấu đáo và có hướng xử lý trên cơ sở sớm đưa công trình vào hoạt động phục vụ dân sinh.