Đã tốn không biết bao giấy mực, công sức tiền bạc của Nhà nước và nhân dân, cũng như của rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về việc khiếu kiện của người lao động ở Công ty TNHH MTV cà phê Chư Quynh xung quanh việc giao nộp sản phẩm và hợp đồng giao khoán giữa người nhận khoán với Cty. Tuy nhiên cho đến nay, sự việc vẫn chưa có hồi kết.
Cuộc đối thoại giữa công ty và người lao động
Theo đó, Công ty TNHH Một thành viên cà phê Chư Quynh là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng Cty cà phê Việt Nam, đứng chân tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk. Ngày 24/11/2015 đã có buổi đối thoại giữa người lao động bao gồm những người nhận khoán, công nhân lao động trực tiếp và lãnh đạo Công ty Cà phê Chư Quynh.
Buổi đối thoại có mặt đại diện của Tổng Cty cà phê Việt Nam, Bí thư, Chủ tịch và các phòng ban huyện Cư Kuin cùng trên 200 hộ nhận khoán.
Đại diện người lao động, ông Bùi Xuân Mai có đưa ra 7 nội dung yêu cầu đối thoại như: Sổ giao khoán cho người lao động sai, có ghi thêm là không có giá trị, yêu cầu hủy bỏ hợp đồng giao khoán.
Ông Bùi Xuân Mai cũng nêu ý kiến: Từ năm 1994 Cty Chư Quynh bỏ đất hoang, người lao động tự đầu tư 100% vốn để trồng chăm sóc cà phê, hồ tiêu nhưng Cty vẫn thu sản phẩm trên diện tích vườn cà phê đã hết khấu hao và thời gian kinh doanh do cà phê già cỗi.
Giám đốc Cty, ông Hồ Phúc Long thì cho rằng: Hợp đồng giao khoán được ký kết giữa hai bên (Giám đốc Cty và người nhận khoán) hợp đồng đã có giá trị pháp lý, nếu thấy sai thì người lao động có thể yêu cầu giám định và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý, trước khi ký người nhận khoán đều đã đọc và tự nguyện ký vào hợp đồng (hiện có 1.206 hộ đã ký hợp đồng nhận khoán, và 18 hộ chưa ký).
Hơn nữa việc xây dựng định mức giao khoán đã được Tổng Cty cà phê Việt Nam phê duyệt, cũng như đã thông qua Hội nghị công nhân viên toàn đơn vị.
Trong bản Kết luận của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 221 ngày 25/4/2015 có ghi rõ: Năm 1993- 1994 diện tích cà phê của Cty bị bệnh rệp sáp nên Bộ đã cho phép nông trường thanh lý 329,7 ha và đã chỉ đạo cho phép người nhận khoán bỏ vốn đầu tư trực tiếp. Đến ngày 7/10/1996 Cty có thông báo số 14/TB-NT V/v đưa diện tích cà phê tự trồng, tự đầu tư vào giao khoán cà phê do Cty và người lao động cùng đầu tư ở thời kỳ kiến thiết cơ bản trên diện tích cà phê thanh lý.
Theo Nghị định số 01/CP thì việc người lao động bỏ vốn đầu tư trực tiếp vào vườn cây là phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế. Cty và người lao động cùng đầu tư kiến thiết cơ bản vườn cà phê đã thống nhất và ký hợp đồng giao nhận khoán với Công ty đạt 100% (năm 1995 – 2005).
Như vậy Cty đã quản lý sử dụng đất đúng mục đích, không để đất hoang và đều có phương án trồng cây khác khi vườn cây bị chết do sâu bệnh. Việc giao khoán của Cty cà phê Chư Quynh theo 2 hình thức, một là Nhà nước đầu tư 100%, hai là Nhà nước và người lao động cùng đầu tư.
Về việc khiếu kiện Giám đốc Cty thu hồi đất trên diện tích đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngay tại buổi đối thoại ông Nguyễn Văn Chung – Chủ tịch UBND huyện có nêu rõ: Việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, là do UBND huyện, chứ không phải thẩm quyền của Cty. Cty chỉ đề nghị thu hồi giấy chứng nhận khi cấp sai trên diện tích mà Cty đang quản lý sử dụng.
Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại còn nhiều vấn đề người lao động nêu ra như việc xây dựng phương án thu sản lượng là quá cao, các chế độ chính sách của người lao động chưa giải quyết thấu tình đạt lý, như tiền tuất, tiền thai sản ốm đau, thuyên chuyển công tác..vv… và việc giải trình của lãnh đạo Cty chưa thỏa mãn, làm cho cuộc đối thoại hầu như không đạt được kết quả. Hiện nay một số hộ dân đã tự động làm thông báo hủy bỏ hợp đồng nhận khoán mà không có sự trao đổi thống nhất với Cty.
Việc chống đối không nộp sản phẩm trên diện tích đất Cty quản lý là vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Các cấp chính quyền, Tổng Cty cà phê Việt Nam cần có biện pháp tối ưu nhằm giải quyết dứt điểm, không để tình trạng trên kéo dài.