Nhà điều hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2 AG), có trụ sở tại Thụy Sĩ, đã phải thông báo phá sản sau khi Đức "đóng băng" đường ống dẫn khí đốt, như một đòn trừng phạt đối với Nga.
Ngày 1/3, Nord Stream 2 AG, công ty điều hành tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, đã buộc phải tuyên bố phá sản do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Người đứng đầu Bộ Kinh tế bang Zug của Thụy Sĩ, bà Sylvia Talman-Gut cho biết Công ty Nord Stream 2 AG "bị vỡ nợ và do đó không thể đảm bảo kế hoạch xã hội", mất khả năng thanh toán do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đã trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Một lệnh hành pháp do Văn phòng Kiểm soát Tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ chỉ đạo "chấm dứt các giao dịch liên quan đến Nord Stream 2 AG", lệnh trừng phạt này cũng được áp dụng đối với các pháp nhân liên quan đến Nord Stream 2 AG trước ngày 2/3.
Trước đó, có tin về việc Nord Stream 2 AG có thể tuyên bố phá sản và chính thức bắt đầu thủ tục phá sản tại một tòa án Thụy Sĩ đầu tuần này.
Hôm 1/3, Nord Stream 2 AG của Nga đã sa thải tất cả nhân viên tại thành phố Zug, khoảng trên 140 người.
Sau khi Nga công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/2 đã thông báo đình chỉ chứng nhận tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, có công suất 55 tỷ m3/năm.
Về phần mình, Mỹ từ lâu đã tìm cách trở thành người dẫn đầu trong thị trường năng lượng. Hôm 23/2, Washington đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào công ty Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành Matthias Warnig.
Về phần mình, Moskva đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia phương Tây ngừng chính trị hóa Dòng chảy phương Bắc 2 và nói rằng đây là một dự án thương mại có lợi cho cả Nga và Liên minh châu Âu.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dài hơn 1.200 km dưới biển Baltic đã hoàn thành hồi tháng 9/2021. Được thiết kế với mục đích tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga trực tiếp sang Đức, dự án sẽ có công suất lên đến 110 tỷ m3/năm nếu đi vào hoạt động. Dự án này trị giá 10,6 tỷ USD.
Trong đó, khoảng một nửa chi phí này được tài trợ bởi các công ty châu Âu, bao gồm OMV (Áo), Wintershall Dea (Đức), Engie (Pháp), Uniper (Đức), và Shell (Anh).
Dù đã hoàn thành vào tháng 9/2021, dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước Liên minh châu Âu.
Nhiều năm qua, Đức luôn tìm cách bảo vệ dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Tuy nhiên, cách tiếp cận này ngày càng trở nên khó khăn khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang mạnh mẽ trong những ngày gần đây.