Công ty TNHH MTV Lâm trường Cư M’Lanh (Công ty Lâm nghiệp Cư M’Lanh) đứng chân tại thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk được tỉnh này giao bảo vệ, quản lý 14.700 ha đất rừng. Thế nhưng bảo vệ công ty đã để cho hàng trăm hộ dân di cư tự do vào lấn chiếm dựng nhà, lập làng giữa rừng, để các hộ dân tự do sang nhượng hàng ngàn héc ta đất rừng mà không có biện pháp xử lý. Không chỉ để mất rừng, công ty này còn đầu tư nhiều dự án không mang lại hiệu quả gây thất thoát hàng tỷ đồng.
Hàng ngàn ha đất rừng do Công ty Lâm nghiệp Cư M’Lanh
buông lỏng quản lý bị lấn chiếm, sang nhượng.
Buông lỏng quản lý
Sau nhiều năm hoạt động yếu kém, diện tích rừng do công ty này quản lý bị suy giảm hơn 10.500 hecta, để hơn 800 hộ dân lấn chiếm khoảng 2.000 héc ta. Hiện chỉ còn khoảng 4.000 ha đất có rừng, hơn 5.000 ha đất có cây tái sinh đang chờ chuyển đổi.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều diện tích rừng ở đây đã được người dân đốn hạ để dựng nhà, trồng cao su, bắp, tiêu, mì. Dấu tích còn sót lại của rừng già là những gốc cây to nằm nhấp nhô, nhiều gốc bị cháy lẹm nham nhở. Tại tiểu khu 249 (thuộc xã Ia Lê, huyện Ea Súp) một trong những tiểu khu nằm giữa vùng lõi của rừng, địa hình hiểm trở đi lại khó khăn, nhưng tại đây đã hình thành khu dân cư 160 hộ, hơn 600 nhân khẩu với các dãy nhà kiên cố.
Nhiều hộ ở đây cho biết, họ có cuộc sống ổn định hơn ở quê cũ là nhờ việc khai thác gỗ từ rừng và lấn chiếm đất công ty lâm nghiệp, mỗi hộ từ vài héc trở lên. Nhiều hộ khấm khá hơn là nhờ mua bán chuyển nhượng đất lấn chiếm rừng.
Việc quản lý yếu kém để mất rừng, đất rừng đã gây ra nhiều hậu quả cho tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể, trong những năm qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp sau khi được tỉnh này cho phép vào triển khai dự án trồng cao su, trồng rừng, sản xuất nông nghiệp trên một số tiểu khu thuộc Công ty Cư M’lanh quản lý, nhưng do phần lớn diện tích đất rừng đã bị dân lấn chiếm, xảy ra tranh chấp, xung đột gay gắt, nên không thể triển khai được.
Ông Nguyễn Hữu Thu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’Lanh cho rằng, nguyên nhân mất rừng chủ yếu là do bà con dân tộc di cư không theo kế hoạch vào tất cả các tiểu khu của đơn vị quản lý. Chủ yếu là họ phá rừng để lấy đất sản xuất. Do bất cập của các ngành nên mới dẫn đến những hậu quả cho công ty. Việc đưa dân ra khỏi rừng là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Theo lý giải của ông Thu, khi có chủ trương đóng cửa rừng thì công ty mới lâm vào khốn khó và hậu quả là từ năm 2010 đến nay, năm nào công ty cũng nợ lương của người lao động từ 4 đến 8 tháng.
Đầu tư tràn lan gây thất thoát hàng tỷ đồng
Quản lý rừng để mất rừng, công ty này lại thực hiện nhiều dự án đầu tư sản xuất kinh doanh gây thất thoát tiền tỷ. Năm 2001-2003, công ty đầu tư vườn hồ tiêu với số vốn hơn 570 triệu đồng, nhưng khi vườn cây bước vào thu hoạch, đợt hạn hán năm 2003 xảy ra khiến cho vườn tiêu của công ty hàng ngàn trụ chết khô.
Sau khi thất bại trong vụ trồng tiêu, công ty lại chủ trương đầu tư sang trồng cây nho và dự án này cũng thất bại, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng. Thấy nguồn nước hồ Ea Súp Thượng thuận lợi cho việc nuôi cá, từ năm 2002 đến 2010, ông Thu đã trích tiền công ty 3,923 tỷ đồng ra đầu tư san ủi 400 ha lòng hồ, mua lưới chắn cá, thuyền máy…
Thế nhưng năm 2007 trận mưa lũ kéo đến làm hư hỏng lưới chắn và hàng chục tấn cá cũng trôi theo dòng nước. Đến nay công ty chưa tổng kết nên chưa có con số thiệt hại chính thức. Năm 2007-2008, công ty đầu tư xây dựng hồ nuôi ba ba thế nhưng dự án này cũng thất bại và gây thất thoát cả chì lẫn chài. Thực hiện nhiệm vụ trồng rừng phòng hộ năm 2012, ông Thu lấy 394 triệu đồng từ nguồn vốn cấp quản lý, bảo vệ rừng đầu tư trồng 40 ha rừng thế nhưng do không chăm sóc tốt, diện tích rừng trồng này cũng đã chết khô.
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo ngành chức năng địa phương lập thủ tục thu hồi gần 3.000 ha đất của công ty, đồng thời chỉ đạo kiểm điểm Giám đốc công ty và những cá nhân liên quan đã để mất rừng, để người dân lấn chiếm đất rừng với diện tích lớn từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên cho đến nay sự việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng, ông Thu vẫn tại vị. Trách nhiệm để mất rừng, thất thoát tiền tỷ trong các dự án đầu tư thì vẫn chưa có ai phải gánh?