Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông.
Tối ngày 24/11, tại thành phố Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu cho Công viên Địa chất Đắk Nông. Đây là tin vui không chỉ của tỉnh Đắk Nông, của Tây Nguyên mà còn là niềm tự hào của cả nước khi có thêm một vùng đất được UNESCO vinh danh mang giá trị toàn cầu.
Như vậy, tính cho tới cuối tháng 11/2020, Công viên địa chất Đắk Nông của Việt Nam là thành viên mới nhất của Hệ thống Công viên Địa chất toàn cầu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu này.
Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Về địa giới hành chính, Công viên Địa chất Đắk Nông nằm trải dài trên 6/8 huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông , bao gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thành phố Gia Nghĩa.
Theo ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, UNESCO đánh giá Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông vừa có những điểm chung của các công viên địa chất toàn cầu trên thế giới, lại vừa có những đặc điểm riêng hết sức độc đáo.
Toàn bộ Công viên Địa chất Đắk Nông hiện có khoảng 65 điểm di sản, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước. Nơi đây có hệ thống hang động núi lửa đồ sộ nhất Đông Nam Á với 50 hang động, tổng chiều dài hơn 10.000m. Công viên Địa chất Đắk Nông còn có nhiều nét độc đáo về văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa như M’Nông, Mạ, Ê đê…
Cũng ở đây, người ta có thể thưởng thức trọn vẹn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; không gian sinh hoạt văn hóa của người M’Nông - dân tộc bản địa đông và cư trú lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Các nhà nghiên cứu còn đánh giá cao những bộ đàn đá Đắk Kar, Đắk Sơn…. Và, đây cũng là nơi có nhiều lễ hội dân gian cũng như nghệ thuật ẩm thực rất đặc trưng.
Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Công viên Địa chất Đắk Nông có nền tảng là sự hùng vĩ của vẻ đẹp thiên nhiên và một nền văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Cả hai yếu tố này cần được bảo tồn, gìn giữ và cần được tiếp cận tổng hợp, vừa bảo tồn di sản, vừa kết hợp và các hoạt động kinh tế, du lịch.
Trước đó, ngày 7/7/2020, tại trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp, Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 đã thông qua Quyết định của Hội đồng Công viên Địa chất toàn cầu: Công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông là Công viên Địa chất toàn cầu.
Với sự công nhận này, Công viên Địa chất Đắk Nông trở thành Công viên Địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên Địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). Và, như vậy, tới nay trên thế giới có tổng cộng 148 Công viên Địa chất toàn cầu ở 41 quốc gia đã được UNESCO công nhận.
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO là danh hiệu cao quý dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất tầm cỡ quốc tế có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội... tất cả cùng được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Một Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO cần có diện tích đủ lớn để có tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.
Công viên Địa chất Đắk Nông được thành lập năm 2015 hướng đến mục tiêu tham gia mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu vào năm 2020. Cho tới tháng 11/2018, hồ sơ trình lên UNESCO đề nghị công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu đối với Đắk Nông hoàn tất.
Như vậy là trong vòng 2 năm, kể từ khi hồ sơ được trình lên, UNESCO đã có những khảo sát công phu trước khi ra quyết định công nhận.
Theo quy định, tháng 9/2019, Hội đồng Công viên Địa chất toàn cầu đã họp tại Indonesia và xem xét, đánh giá tổng thể các hồ sơ được Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu đề cử trên khắp thế giới, trong đó có Hồ sơ Công viên Địa chất Đắk Nông của Việt Nam. Theo kế hoạch ban đầu, Hội đồng Chấp hành UNESCO dự định họp và thông qua tại Khóa họp lần thứ 209 vào tháng 4 đầu năm 2020. Tuy nhiên, do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, khóa họp đã lui lại vào ngày 29/6 và kéo dài tới ngày 10/7. Trong khóa họp này, hồ sơ Công viên Địa chất Đắk Nông của Việt Nam được thông qua vào ngày 7/7.
Sau khi được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu, các cơ quan liên quan trong đó có Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Nông, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nhà khoa học trong nước và quốc tế sẽ triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị về địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc… song song với phát triển kinh tế - xã hội chú trọng phát triển du lịch bền vững nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông.
Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông sở hữu khu rừng sinh trưởng ở độ cao 200-300 m, là một phần phía nam của Vườn quốc gia Yok Đôn. Hệ thực vật ở đây có 474 loài bậc cao có mạch, trong đó 28 loài có trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật có 73 loài thú, 250 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài ếch nhái, 437 loài côn trùng; trong đó nai Cà-toong, chà vá chân đen, vượn đen má trắng, gà tiền mặt đỏ, cắt nhỏ hông trắng… là những loài cực kỳ quý hiếm. Với những khu rừng nhiệt đới thường xanh núi thấp (độ cao từ 1000 đến 1.600m so với mực nước biển) có những họ thực vật rất quý, trong đó có cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao đen, dầu mít, sến mủ, sao lá cong, dầu nước…