Ngày 17-12, dưới cơn mưa lớn do ảnh hưởng của bão Melor chúng tôi có mặt tại biển Mỹ Khê và chứng kiến dòng nước đen chảy từ miệng cống thải. Mưa làm nước thải nhạt màu hơn ngày thường nhưng mùi tanh hôi thì vấn không giảm. Thấy chúng tôi chụp ảnh cống xả, nhân viên bảo vệ một nhà hàng gần đó nói rằng ngày nào anh cũng phải chịu đựng mùi hôi từ miệng cống. Những ngày nắng, mùi cống bốc lên mờ mắt. Dòng nước hôi hám từ cống xả chảy thẳng ra bãi cát trước khi hòa vào lớp lớp sóng xô bờ của b
Cống xả tại bãi biển Mân Thái (đường Hoàng Sa) (Ảnh: Thanh Tùng).
Miệng cống là nơi xả nước thải sinh hoạt của cộng đồng dân cư phía Đông TP Đà Nẵng và của hàng loạt khách sạn, nhà hàng, quán nhậu hải sản. Ngoài miệng cống này dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa (từ bãi biển Mỹ Khê đến giáp chân núi Sơn Trà) còn có hàng loạt miệng cống kiên cố xả nước thải hôi hám ra bãi biển. Ngày 16-12, chúng tôi đến bãi biển Mân Thái và gặp những ngư dân đang kéo mẻ lưới đầu ngày ngay miệng cống xả có dòng nước thâm đen. Cá kéo lên được bày bán ngay bên dòng nước đen đổ ra từ miệng cống. Đứng cạnh dòng nước, chứng kiến cảnh mua bán cá tôm tươi rói vừa vớt lên dưới làn nước biển ngay cửa cống chừng mười phút, chúng tôi đã cảm thấy khó thở vì mùi hôi. Ngư dân phường Mân Thái sau mẻ lưới, ngồi rít thuốc nghỉ ngơi nói rằng họ “quen” với mùi cống từ lúc còn trẻ cho đến khi đầu 2 thứ tóc nên không còn sợ nó nữa. Hỏi về bệnh tật do hàng ngày phải lao động, sinh hoạt bên dòng nước đen, những ngư dân hồn nhiên nói rằng “trời kêu ai nấy dạ”. Biết là hàng ngày sống bên cạnh miệng cống bệnh tật khó tránh khỏi nhưng không biết kêu ai - ngư dân phường Mân Thái nói với chúng tôi như thế.
Đứng ở đầu cầu phía Đông cầu Thuận Phước (phường Thọ Quang) nhìn xuống, chúng tôi gặp một đường ống nhựa đường kính khoảng 50 cm đang cuồn cuộn tuồn nước thải dưới làn nước sông Hàn. Đường ống này có lẽ do ai đó đặt trộm để dẫn nước thải ra sông nhưng chưa bị phát hiện. Nhìn đường ống đặt chìm dưới làn nước cửa biển sông Hàn, chúng tôi không khỏi lo ngại vì khu vực này là nơi đánh bắt thủy, hải sản của một số hộ ngư dân có tàu thuyền nhỏ, không thể ra khơi xa. Nếu đường ống xả chất thải độc hại, người tiêu dùng khi mua phải cá tôm đánh bắt ở khu vực này sẽ đối mặt với nguy cơ về bệnh tật.
Từ cầu Thuận Phước nhìn về TP Đà Nẵng, 2 bờ Đông – Tây dòng sông Hàn, sẽ gặp rất nhiều miệng cống nước thải xả thẳng ra sông. Dòng sông Hàn đang phải oằn mình chịu ô nhiễm bởi nước thải của cả khu vực trung tâm TP ngót nghét 1 triệu dân. Nhiều cống xả có từ trước giải phóng như khu vực Bắc và Nam cầu Sông Hàn (ở bờ Tây) và cũng có rất nhiều miệng cống được xây dựng dẫn nước thải trực tiếp ra sông như ở khu vực phía Bắc và Nam Cầu Trần Thị Lý, Cầu Tiên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Cẩm Lệ…
Một trong 3 đột phá về phát triển KT – XH của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015 – 2020) là “đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường”. Do đặc điểm lịch sử, TP Đà Nẵng hiện nay đứng trước bài toán khá nan giải về nước thải thải trực tiếp ra sông, biển, gây ô nhiễm. Đà Nẵng chưa thể là TP môi trường đúng nghĩa, nếu không sớm có đáp án rõ ràng đối với hàng trăm tuyến cống ngầm dưới đáy TP, xả nước thải sinh hoạt ra sông Hàn và ra làn nước biển xanh trong, được xây dựng từ thời Pháp, thời Mỹ và các giai đoạn sau năm 1975.
Năm 2005, bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) được tạp chí Forbes (chuyên về kinh tế của Mỹ) bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. 10 năm sau khi có tên trong danh sách các bãi biển danh giá, Mỹ Khê vẫn nguyên vẹn miệng cống xả với dòng nước đen hôi hám chảy thẳng ra biển. |