Hội nghị thượng đỉnh COP26 của Liên Hợp Quốc tại Glasgow được coi là một cơ hội cấp thiết để cứu hành tinh khỏi những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.
Bị trì hoãn một năm vì đại dịch Covid-19, Hội nghị thượng đỉnh COP26 cuối cùng đã được khai mạc vào ngày 31/10 tại Glasgow, Scotland nhằm duy trì mục tiêu đảm bảo nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp - giới hạn mà các nhà khoa học cho rằng sẽ tránh được những hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Ông Alok Sharma, chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh COP26 phát biểu trước truyền thông: “Trái đất đang dần nóng lên 1,1 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. Khi đạt đến mức 1,5 độ C, nhiều quốc gia trên thế giới sẽ bị nhấn chìm dưới nước, và đó là lý do tại sao chúng ta cần đạt được một thỏa thuận tại đây để có thể đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới.”
Để đạt mục tiêu 1,5 độ C đã được các quốc gia cam kết tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, COP26 cần đảm bảo hơn nữa các cam kết và hành động từ hơn 200 quốc gia nhằm cắt giảm tối đa lượng khí thải ra môi trường.
Có rất nhiều hành động cần phải thực hiện
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome (Italy), các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) đã nhất trí về một tuyên bố cuối cùng vào ngày 31/10, kêu gọi những hành động thực tế "có ý nghĩa và hiệu quả" để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Khối G20, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Mỹ, chiếm khoảng 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Theo thủ tướng Anh Boris Johnson, sau hai ngày đàm phán sơ bộ tại cuộc họp G20 của các nhà lãnh đạo thế giới, ông thừa nhận họ đã đạt được rất ít cam kết, đồng thời hội nghị đã không đi đúng hướng để đạt được một thỏa thuận duy trì mục tiêu. Boris đặt cơ hội thành công của Hội nghị COP26 ở mức 6/10.
Sự trở lại của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới tham gia vào các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ là một lợi ích cho COP26, sau bốn năm vắng mặt dưới thời Tổng thống Donald Trump. Lần này, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia công nghiệp có ảnh hưởng nhiều nhất đến vấn đề biến đổi khí hậu vắng mặt.
Nhưng giống như nhiều nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Joe Biden sẽ đến COP26 mà không có điều gì chắc chắn để đưa ra cam kết về vấn đề khí hậu của Mỹ, đặc biệt khi Quốc hội nước này vẫn tranh cãi về khoản tiền hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và sự không chắc chắn về việc liệu các cơ quan tại Mỹ có thể điều chỉnh lượng khí thải nhà kính hay không.
Các cam kết hiện tại sẽ chỉ khiến hành tinh của chúng ta chứng kiến mức nhiệt độ trung bình 2,7 độ C trong thế kỷ này. Với con số đó, Liên hợp quốc cho rằng sự tàn phá mà biến đổi khí hậu gây ra sẽ ngày càng nghiêm trọng, bằng cách tăng cường các cơn bão, khiến nhiều người phải chịu đựng thời thiết nắng nóng cực độ, cùng với lũ lụt, giết chết các rạn san hô và phá hủy môi trường sống tự nhiên.
Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19
Thêm vào bối cảnh địa chính trị vốn đã đầy thách thức, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do Covid-19 đã khiến Trung Quốc chuyển sang sử dụng loại than gây ô nhiễm cao để ngăn chặn tình trạng thiếu điện, đồng thời khiến châu Âu phải tìm kiếm thêm khí đốt từ một loại nhiên liệu hóa thạch khác.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự phân hóa giàu nghèo. Thiếu vaccine và những quy định hạn chế đi lại đồng nghĩa với việc một số đại diện từ các quốc gia nghèo nhất không thể tham dự cuộc họp tại Glasgow.
Những trở ngại khác bao gồm cả giá khách sạn cao ngất trời ở Glasgow, điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng các nhóm xã hội từ các quốc gia nghèo chịu rủi ro cao nhất từ vấn đề nóng lên toàn cầu sẽ không thể tham dự để đại diện phát biểu.
Các nhà lãnh đạo thế giới bắt đầu Hội nghị COP26 vào ngày 1/11 với hai ngày phát biểu có thể bao gồm một số cam kết cắt giảm khí thải mới.
Kể từ Hiệp định Paris năm 2015, các nhà khoa học đã đưa ra những cảnh báo ngày càng khẩn cấp rằng mục tiêu 1,5 độ C đang vượt quá tầm với. Để hoàn thành mục tiêu, lượng khí thải toàn cầu phải giảm mạnh 45% vào năm 2030 so với mức của năm 2010 và đạt “net zero” vào năm 2050. Đạt “net zero" là khi lượng khí nhà kính thải ra không lớn hơn lượng khí thải thoát ra khỏi khí quyển.
Điều này đòi hỏi những thay đổi lớn đối với hệ thống giao thông, sản xuất năng lượng, sản xuất và canh tác của các quốc gia. Những cam kết hiện tại của các quốc gia sẽ chứng kiến lượng khí thải toàn cầu tăng 16% vào năm 2030.