Đến với xứ Huế mộng mơ, bên cạnh hệ thống đền đài và lăng tẩm, cột cờ Phu Văn Lâu đã trở thành biểu tượng tiêu biểu của di sản Huế gắn với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Du khách đến tham quan Cột cờ Huế.
1. Kỳ đài Huế thường được người dân cố đô Huế gọi là cột cờ Phu Văn Lâu (vì nó nằm ngay sau Phu Văn Lâu - Huế). Kỳ đài Huế là công trình thuộc quần thể kiến trúc cố đô Huế, nằm ở phía trong mặt tiền kinh thành, trước Ngọ Môn, theo hướng Nam, ở khoảng giữa hai cửa Ngăn và cửa Quảng Đức, trên pháo đài Nam Chánh.
Sách Dư địa chí Thừa Thiên - Huế ghi, kỳ đài Huế được chính thức xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (Đinh Mão, 1807); lúc đầu còn đơn giản, dựng bằng gỗ cao chừng 30m. Đến thời vua Minh Mạng thì liên tục được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840. Kỳ đài được xây dựng bằng gạch gồm 3 tầng, với 3 hình khối xếp chồng lên nhau, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ dần từ dưới lên trên; được dùng để treo cờ của nước Việt Nam dưới triều Nguyễn (cờ quẻ ly).
Năm 1846, vua Thiệu Trị cho thay cột cờ mới (Tân kiến trụ). Đến năm Thành Thái thứ 16 (1904), cột cờ này bị một cơn bão lớn quật gãy, nên sau phải đổi làm bằng ống gang. Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị pháo bắn gãy một lần nữa.
Đến năm 1948, Hội đồng chấp chánh lâm thời Trung Kỳ cho xây dựng cột cờ bằng bê tông cốt sắt với tổng chiều cao 37m mới được xây dựng. Từ đó đến nay, công trình này cũng đã được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức trùng tu từ giữa năm 1994 đến năm 1995.
2. Ấn tượng nhất để ngắm nhìn kỳ đài Huế là đứng trên lan can cao nhất phía Đông đàn Nam Giao nhìn xuống thành phố Huế.
Sách sử cũng còn chép, vào thời Nguyễn, trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du cho đến việc cấp báo đều có hiệu cờ. Trên đỉnh cột cờ còn đặt một trạm quan sát gọi là Vọng Đẩu. Thỉnh thoảng, lính canh phải trèo lên Vọng Đẩu dùng kính Thiên lý quan sát ngoài bờ biển.
Ngày 23/8/1945, sau khi Bảo Đại thoái vị, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thay thế cho lá cờ hình quẻ ly của triều đình Nguyễn. Người đảm trách việc treo cờ là ông Đặng Văn Việt, sống ở Hà Nội. Khi thực hiện nhiệm vụ này, ông Việt mới 26 tuổi, là Trung tá, con Thượng thư triều Nguyễn Đặng Văn Hướng, một trong 43 học viên của trường Thanh niên tiền tuyến Huế 1945; một chiến sĩ cách mạng trung kiên, từng mệnh danh là “Con hùm xám đường số 4” trong chiến dịch Biên giới 1950.
Theo ông Việt, sáng 20/8/1945, ông nhận được mật lệnh, mời đến một địa điểm gần đàn Nam Giao gặp đồng chí Trần Hữu Dực, bấy giờ là Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên, sau này là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Trung Bộ. Đồng chí Trần Hữu Dực giao cho tôi một lá cờ đỏ sao vàng to bằng cả gian nhà và lệnh: “Đồng chí có nhiệm vụ phải treo lá cờ này lên cột cờ Phu Văn Lâu”. Tôi hỏi: “Xin cho biết bao giờ xong”. Ông Dực bảo, trong sáng ngày 21/8/1945 phải hoàn thành. Cùng làm nhiệm vụ này với ông Việt còn có một đồng đội là Nguyễn Thế Lương (tức Cao Pha).
Cột cờ Phu Văn Lâu nhìn từ sông Hương.
Nhìn lại sự kiện này, ông Việt bảo, thực hiện nhiệm vụ này trên kỳ đài Huế cũng là một “trận đánh”, chứa đựng phút giây sinh tử mà đến giờ ông vẫn bảo rằng đó là ngày “giỗ hụt” 70 năm trước của mình. Bởi lúc đó có hơn 120 họng súng của “lính khố vàng” chĩa vào 2 người thanh niên can trường ấy…
Vẫn theo lời ông Việt, lúc đó ông đích thân leo lên 2 bậc thang chính của Kỳ đài, đoạn tiếp cận bậc thang thứ 3 thì vấp phải sự kháng cự từ phía đội trưởng đội cận vệ của Hoàng đế Bảo Đại. Bỗng hàng loạt súng của “lính khố vàng” chĩa vào ông… Tuy nhiên khi nhìn thấy kỹ lá cờ Việt Minh được trải rộng ra, tên đội trưởng thét lớn ra hiệu binh lính không được bắn, bởi ông ta hiểu được uy thế của lực lượng Việt Minh lúc bấy giờ.
Ông Việt ngay lập tức đề nghị: “Chúng tôi đến đây theo chỉ thị của lực lượng Việt Minh. Chúng tôi có nhiệm vụ treo lá cờ Cách mạng lên trên cột cờ lớn. Các anh hãy giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”. Lúc đó tên đội trưởng nghe lời và để cho ông Việt cùng ông Pha thực hiện sứ mệnh lịch sử: hạ cờ quẻ ly và treo lá cờ đỏ sao vàng lên cột cờ Phu Văn Lâu. Khi lá cờ đỏ sao vàng được treo lên kỳ đài Huế, đứng từ xa hàng chục cây số cũng có thể nhìn thấy…
Ngoài ra, trong sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, 8 giờ sáng ngày 31/1/1968 quân giải phóng miền Nam chiếm được kỳ đài và lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trong 26 ngày đêm. Đến ngày 24/2/1968, đại đội Hắc Báo, thuộc sư đoàn bộ binh 1 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại kỳ đài.
Ngày 26/3/1975, sau khi giành thắng lợi trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, lá cờ dài 12 m, rộng 8m của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lại được kéo lên Kỳ đài. Sáng sớm ngày 26-3-1975, khi mặt trời vừa ló dạng, lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng màu đỏ tươi đã tung bay trên đỉnh Ngọ Môn, cả kinh thành Huế vui sướng vỡ òa trong niềm vui giải phóng.
3. Về mặt kiến trúc, Cột cờ Huế có 3 tầng, như ba tháp cụt xếp chồng lên nhau, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ dần từ dưới lên trên. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5m, tầng giữa cao khoảng 6m, tầng trên cùng cao hơn 6m. Tổng cộng của 3 tầng đài cao khoảng 17,5m. Từ mặt đất lên tầng dưới bằng một lối đi nhỏ ở phía trái Kỳ đài, tầng dưới thông với tầng giữa bằng một cửa vòm rộng 4m, tầng giữa thông với tầng trên cùng cũng bằng một cửa vòm rộng 2m.
Ðỉnh mỗi tầng có xây một hệ thống lan can cao 1m được trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng. Nền 3 tầng lát gạch vuông và gạch vồ, có hệ thống thoát nước mưa xuống dưới. Trước đây còn có 2 chòi canh và 8 khẩu đại bác. Như vậy, tổng chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh Cột cờ là 54,5m. Hiện nay, lá cờ Tổ quốc treo trên đỉnh cột có chiều dài 12m, chiều rộng là 8m.
Ngày nay, Cột cờ Huế - cột cờ Phu Văn Lâu vẫn là một địa chỉ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đặt chân đến xứ Huế mộng mơ. Nơi đây, hằng ngày rộn ràng bước chân khám phá và những bài học lịch sử lại được nhắc nhớ, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.