Trong tuần, rất nhiều sự kiện “nóng”, thu hút sự chú ý của dư luận. Xin được “điểm danh” 3 việc được nhiều người quan tâm, tất nhiên là với mức độ khác nhau.
Chuyện thứ nhất là cái cột điện. Chuyện thứ hai là chiếc điện thoại. Và chuyện thứ ba là em học sinh lớp 3, bài tập làm văn cùng người mẹ lô đề.
1. Bão số 5 được dự báo sẽ rất mạnh, với gió giật cấp 13. Nhưng khi vào bờ nó đã suy yếu, thành áp thấp nhiệt đới.
Tuy thế thì nó cũng đã kịp gây ra nhiều thiệt hại với các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Quảng Ngãi. Trong đó, Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng nặng nhất. Cũng trong vụ này, dư luận quan tâm tới chuyện chỉ một trận bão yếu mà đã quật đổ tới hơn 200 cột điện ở Thừa Thiên-Huế. Ngành điện lực địa phương lên tiếng giải thích, nhưng không thuyết phục được dư luận vì không lý gì hàng loạt cột điện đổ gục nếu không phải vì làm ăn gian dối?
Cũng chính vì thế mà ngày 23/9, Chủ tịch tỉnh này, ông Phan Ngọc Thọ, đã chỉ đạo Công ty Điện lực kiểm tra, xem xét để có đánh giá cụ thể về mức độ thiệt hại và nguyên nhân khiến hàng loạt trụ điện bị gãy, đổ. Ông Thọ cho rằng phải công khai kết quả giám định chất lượng cột điện bị gãy, đổ cho người dân biết.
Còn ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch tỉnh này nói trong một cuộc họp giao ban rằng hệ thống lưới điện là công trình đầu tư bằng ngân sách nhà nước nên ngành điện lực phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục đầu tư, giám sát chất lượng.
Mạnh mẽ hơn, ông Đặng Ngọc Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng cơn bão vừa qua không lớn nhưng đã làm hàng loạt cột điện bị gãy, đổ. Mà như thế là có vấn đề. “Chúng tôi sẽ kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát vấn đề này” - theo ông Nghĩa.
Nói như ông Lưu Đức Hoàn, đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thì điều quan trọng là phải làm rõ chất lượng cột điện, trách nhiệm thuộc về ai.
Đó cũng chính là điều xã hội đang chờ. Phải làm rõ trắng đen, không thể để rồi lại “chìm xuồng”.
2. Tháng đầu tiên của năm học mới, cùng với việc lạm thu, những ngày qua dư luận bàn tán xôn xao về việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp (tất nhiên là thòng theo điều kiện được thầy cô cho phép sử dụng vào mục đích học tập).
Nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng, vì rằng chẳng lẽ mình đã và đang giáo dục con sai khi mà ở nhà kiểm soát rất kĩ việc sử dụng điện thoại của con. Phần nhà trường, nhiều vị tán thưởng cho là đổi mới tư duy, là phù hợp với thực tế cuộc sống trong thời buổi công nghệ số đã tạo ra một thế giới phẳng và những thế hệ công dân toàn cầu. Nhưng cũng có không ít nhà giáo lo lắng vì trong giờ học các em không tập trung trong, tạo ra thói quen lệ thuộc vào máy móc mà không tự phát triển tư duy. Còn giáo viên sẽ khó quản.
Đó là phía phụ huynh và nhà trường. Còn với học sinh, đối tượng “được thụ hưởng” thì sao?
Một học sinh lớp 10, Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM cho rằng, cho học sinh dùng điện thoại trong lớp có hai mặt. Mặt tốt là tạo sự thuận lợi khi cần tìm hiểu thêm thông tin phục vụ cho bài làm, lấy được điểm cộng của thầy cô bộ môn vì có những hiểu biết ngoài sách giáo khoa... Nhưng mặt trái là sẽ có bạn sử dụng điện thoại vào những mục đích không tốt như quay cóp, lướt web, vào Facebook trong giờ học.
Nhiều học sinh lại cho rằng cần có quy định cụ thể, rõ ràng về việc cho học sinh sử dụng điện thoại. Có nghĩa là khi nào học sinh được lấy điện thoại ra, phục vụ việc học tập là như thế nào. Vì e rằng nhiều học sinh sẽ hiểu lầm rằng mình sẽ được sử dụng điện thoại bất cứ lúc nào trong lớp học. “Ví dụ trong lúc giáo viên đang giảng bài, học sinh cần lắng nghe thì lại lấy điện thoại ra lướt web. Khi thầy cô nhắc thì học sinh vẫn có thể cãi lại rằng em sử dụng điện thoại vào việc học tập, chứ em không chơi game”- một ý kiến khác của học sinh.
Chuyện tưởng nhỏ hóa ra không nhỏ chút nào. Vì thế mới nên chuyện và từ đó phải có sự hướng dẫn rõ ràng hơn, cụ thể hơn từ phía Bộ Giáo dục - Đào tạo. Nếu không, sẽ là mỗi nơi một phách.
3. Chuyện thứ ba, cũng lại chuyện nhà trường. Mấy ngày qua mạng xã hội xôn xao về một bài văn (được cho là) của một học sinh lớp 3. Đề bài yêu cầu tả “chuyện ở nhà”. Cô giáo cho 1 điểm và yêu cầu “mai mời phụ huynh lên gặp cô”.
Thực ra “vụ này” có đã lâu, nhưng vào năm học mới được đưa lại. Hóa ra, chuyện cũ lại vẫn mới.
Trong bài, em học sinh nọ kể lại một cách hồn nhiên, rất dễ hiểu chuyện “lô đề” của bố mẹ. Thái độ của mẹ, của bố thế nào và bản thân em tránh được cái bạt tai của mẹ ra sao. Nhiều ý kiến công dân mạng cho là em này viết giỏi “như Nguyễn Nhật Ánh”, sau này nhất định trở thành nhà văn. Ấy thế mà cô giáo lại cho điểm 1, lại “triệu” phụ huynh đến để nhờ tay cha mẹ “sửa gáy” con.
Bài tập làm văn có đoạn: “…Trong lúc làm việc mẹ em rất tập trung, thỉnh thoảng lại nói một nhân bảy mươi bạch thủ dàn tổng chia hết cho ba. Mẹ bảo, phải học Toán thật giỏi mới làm được. Hôm em xem trên vô tuyến có chú chim bồ câu đưa thư, em liền nhớ đến mẹ cứ hay quát bố: Chuyển giấy cho nhà Dung Phượng chưa, có mỗi việc đấy quên suốt thế, nó nổ cho một cái thì bán nhà ra đê mà ở. Em sợ bố hay quên lại phải bán nhà ra đê ở nên đã nảy ra suy nghĩ bảo với mẹ em: “Mẹ ơi mẹ nuôi chim bồ câu đi mẹ buộc giấy vào chân chim bồ câu để nó chuyển đến nhà bác Phượng đi, nó nổ một cái thì phải bán nhà, con sợ ra đê ở lắm!
Mẹ định giơ tay tát, em đã phải chạy kịp. Mẹ bảo ai có hỏi thì phải bảo mẹ tao làm nội trợ, còn công việc của bố em là nấu cơm cho cả nhà”.
Người thì chê cô giáo, người thì phì cười vì em bé nọ. Nhưng nghĩ xa ra, thật nguy hiểm khi đầu óc non dại của trẻ thơ ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh bố mẹ hí húi với lô đề. Em bé nọ (nếu chuyện này có thật) lớn lên trở thành nhà văn thì tốt (vì bài viết quá tài với độ tuổi của trẻ lớp 3), nhưng nếu không thành nhà văn thì không biết sẽ làm nghề gì. Thôi thì lại theo gót người mẹ lô đề?