Chỉ còn vài ngày nữa là tới dịp cao điểm người dân về quê đón Tết Nguyên đán nhưng khách đi tàu hoả, máy bay dồn dập trả lại vé. Cùng lúc nhiều người đồng loạt huỷ tour du lịch, khiến ngành vận tải và du lịch không kịp trở tay...
Dồn dập trả vé tàu
Lo ngại dịch lan rộng, hai ngày qua nhiều khách mua vé ra Bắc ăn Tết trước đó dồn dập trả lại vé khiến Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn không còn tiền mặt. Tại ga Biên Hòa (Đồng Nai) tối 1/2, rất nhiều người đến làm thủ tục trả vé. Họ đa phần về các tỉnh miền Trung và Bắc. Nhà ga dán thông báo tạm ngưng trả vé với lý do hệ thống máy tính bị lỗi, nhưng nhiều người không chấp nhận và phản ứng gay gắt. Sau đó công an đã vào cuộc giữ trật tự an ninh nhà ga.
Không riêng ga Biên Hoà, tại nhà ga Dĩ An (Bình Dương), gần 100 người cũng tới trả vé khi dịch bùng phát. Khách trả vé chủ yếu từ Nghệ An ra các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên nhiều trường hợp chưa được giải quyết.
Sáng ngày 2/2, có mặt tại ga Sài Gòn chúng tôi bắt gặp hàng trăm người dân xếp hàng chờ đợi được trả vé tàu và hoàn lại tiền đã mua. Anh Xuân, một người dân ngụ tại quận 12 (TP HCM) cho biết hồi tháng 11/2020 anh có đặt 8 vé tàu (khứ hồi) về quê Thanh Hóa cho gia đình với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên thay đổi ý định ở lại.
Tuy nhiên, theo đại diện ngành đường sắt thì anh có 2 lựa chọn và cả 2 lựa chọn này đều chưa thể lấy lại số tiền trên của mình. Cụ thể, đầu tiên người mua vé tàu có thể bảo lưu vé 365 ngày kể từ thời gian ghi trên vé. Nghĩa là tới thời điểm sang năm, người mua vé cũng có thể sử dụng để về quê. Ngoài ra, nếu muốn đổi thì theo quy định của ngành đường sắt, khách hàng sẽ phải chịu bù lỗ 30% số tiền bỏ ra mua vé. Tuy nhiên, phải sau 3 tháng hành khách mới nhận được khoản tiền 70% do ngành đường sắt đã sử dụng số tiền này vào công tác phòng chống dịch Covid-19 như phun khử khuẩn toa tàu, nhà ga cũng như việc chuẩn bị cho vận chuyển hành khách.
Được biết, chỉ riêng trong buổi sáng ngày 2/2 đã có hơn 500 trường hợp mua vé tàu thời điểm Tết tìm tới ga Sài Gòn để đổi trả vé khiến nhiều người phải xếp hàng chờ đợi rất lâu. Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, ngành đường sắt đã lường trước nhiều phương án phòng chống dịch Covid-19 và khuyên hành khách mua vé tàu hãy an tâm di chuyển. Trường hợp không di chuyển dịp Tết Tân Sửu 2021 thì hành khách có thể bảo lưu để di chuyển dịp Tết sang năm. Ngoài ra, Công ty cũng đã dán thông báo trực tiếp ở ga để hành khách tới đổi trả vé được biết.
Lo đóng cửa sân bay
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở nhiều địa phương, các hãng hàng không trong nước đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ khách hoàn vé, đổi vé. Hỗ trợ làm thủ tục nhanh gọn ở sân bay...
Cụ thể, Vietnam Airlines (VNA) vừa thông báo chính sách áp dụng cho hành khách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, hành khách đã đặt vé của hãng nhưng đường bay bị ảnh hưởng, khách có thể hoàn vé ra voucher tại Travel Voucher với ưu đãi tặng thêm 10% giá cước của vé.
Hành khách cũng được miễn lệ phí hoàn vé khi đổi sang voucher. Hành khách có thể sử dụng voucher để đổi ra các sản phẩm, dịch vụ của VNA (vé máy bay, hành lý, chọn ghế ngồi, nâng hạng…) có tổng giá trị tương đương giá trị voucher. Travel Voucher có giá trị sử dụng trong vòng 1 năm từ ngày xuất. Đặc biệt, chính sách đổi vé ra voucher này còn áp dụng cho cả khách mua vé không bao gồm điều kiện hoàn, huỷ.
Tương tự, Bamboo Airways cũng thông báo áp dụng chính sách hoàn, đổi vé với khách đã đặt vé của Hãng nhưng chuyến bay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, khách được đổi vé miễn phí không phụ thu chênh lệch sang chuyến bay mới cách giờ khởi hành ban đầu không quá 72 giờ. Trường hợp đổi sang chuyến bay muộn hơn 72 giờ, khách phải trả phần tiền vé chênh lệch cho chuyến bay mới (nếu có)...
Lo đóng cửa sân bay, ông Tô Tử Hà - quyền Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vừa có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP. Hà Nội đề nghị xét nghiệm Covid-19 cho khoảng 3.200 người đang trực tiếp làm việc tại đây.
Theo ông Hà, tuy đã triển khai các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch, nhưng với diễn biến dịch hiện nay, nguy cơ lây nhiễm trong cán bộ công nhân viên làm việc tại đây là rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, riêng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã có 16 trường hợp F1 liên quan đến hành khách là bệnh nhân F0 đi Nhật Bản qua sân bay Nội Bài và bệnh nhân là nhân viên an ninh hàng không tại sân bay Vân Đồn; hàng trăm nhân viên đang là F2. “Nếu có trường hợp bị nhiễm Covid-19 tại Cảng hàng không Nội Bài, nguy cơ đóng cửa sân bay là hiện hữu và rất có thể xảy ra”- ông Tô Tử Hà cho hay.
Nhiều người hủy tour
Diễn biến mới của dịch Covid-19 cũng ngay lập tức tác động đến ngành du lịch khi nhiều du khách đã hủy tour. Dù không nằm trong số địa phương có ca bệnh Covid-19 nhưng ngành du lịch Lào Cai ngay lập tức gánh chịu thiệt hại rất lớn từ đại dịch này.
Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao- Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết theo danh sách, lịch trình đã đặt dự kiến, từ ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Tân Sửu trở đi sẽ có khoảng 100.000 khách du lịch đến Lào Cai. Trong đó, 70.000 khách du lịch đến Sa Pa. Số khách đã hủy tour chủ yếu là ở các tỉnh phía Nam đã đăng ký lộ trình du lịch tại Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai. Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại với liên tiếp ca bệnh ghi nhận tại Quảng Ninh, Hải Dương, nhiều du khách, đã hủy tour du lịch đến Lào Cai.
Giới chuyên gia giao thông nhận định, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, việc siết chặt công tác kiểm dịch là vô cùng quan trọng. Dù cho điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách nhưng đó là nhiệm vụ tối thượng.
Ngoài vấn đề tiền vé máy bay, các công ty du lịch hiện nay cũng gặp không ít khó khăn với những dịch vụ khác trong tour như khách sạn, nhà hàng… Theo các công ty du lịch, khi đặt tour cho hành khách thì công ty cũng phải đặt khách sạn, nhà hàng và thanh toán một phần cho họ. Giờ khi khách hủy tour yêu cầu lấy lại 100% tiền, thì công ty du lịch bị kẹt ở thế khó không thể quyết định ngay…