Nhiều chuyên gia y tế lo ngại, trước đây, dịch SARS xuất hiện và đã “biến mất” thì Covid-19 lại được dự báo là sẽ tồn tại lâu dài, hằng năm, thậm chí nó sẽ tồn tại như cúm hay HIV. Vì có khoảng 60% người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng không được điều trị tại các cơ sở y tế, nên âm thầm lây nhiễm.Trước tình trạng đó, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nguy cơ Covid-19 tái bùng phát.
Chuyến bay đầu tiên chở người Việt Nam từ châu Âu về nước trong mùa dịch Covid-19 hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, ngày 16/3/2020. Ảnh: Mạnh Trường.
Tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết dự kiến sẽ có 21 chuyến bay chở công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong khoảng thời gian từ 18/5 đến 15/6. Trong đó, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam -Vietnam Airlines sẽ thực hiện 14 chuyến đón người Việt từ Hà Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Phần Lan, Thụy Điển, Canada, Angola, Mỹ và Ấn Độ về nước. Vietjet thực hiện 5 chuyến bay đưa người Việt từ Myanmar, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore về nước. Bamboo Airways thực hiện 2 chuyến bay đưa người Việt về nước từ Singapore và Kuwait.
Trước đó, từ 22/4 đến 17/5, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 13 chuyến bay đưa người Việt về nước. Các nước có chuyến bay xuất phát để đưa người Việt về nước đa phần có ca nhiễm Covid-19 cao, nên ngay sau khi hạ cánh tại các sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), Cần Thơ…, toàn bộ hành khách đã được kiểm tra sức khỏe và cách ly, những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển điều trị tại các cơ sở y tế, đảm bảo ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng. Máy bay cũng được khử trùng trước khi tiếp tục khai thác. Đặc biệt trên chuyến bay VN0062 từ Nga về Việt Nam ngày 13/5 có đến 29 hành khách dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Ông Trần Đắc Phu- cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho rằng Việt Nam kiên định nguyên tắc chống dịch Covid-19: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Tất cả công dân nhập cảnh về nước đều được cách ly, xét nghiệm, khi về nhà thì vẫn phải theo dõi sức khỏe.
Với chiến lược này và tiếp tục làm tốt như vừa qua, đặc biệt là người dân có ý thức phòng chống dịch tốt thì Việt Nam sẽ không có làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Cũng theo ông Phu, khi ca bệnh được phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, sẽ không có đỉnh dịch, không có làn sóng thứ hai. Dịch sẽ chỉ là những đốm lửa nhỏ và bị dập tắt chứ không thành những đám cháy lớn”.
Tuy nhiên, ông Phu cũng lưu ý: Trước đây, dịch SARS xuất hiện và đã “biến mất” thì Covid-19 lại được dự báo là sẽ tồn tại lâu dài, hằng năm, thậm chí nó sẽ tồn tại như cúm hay HIV. Vì có khoảng 60% người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng không được điều trị tại các cơ sở y tế, nên âm thầm lây nhiễm.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đánh giá, mặc dù trong hơn 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn, do nguy cơ xâm nhập bên ngoài vào Việt Nam, khi các hãng hàng không sẽ tiếp tục đưa công dân về nước.
Không thể “coi như hết dịch”
Ngày 21/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 gây ra đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế cho rằng, điều đáng mừng là sau hơn 1 tháng Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Chúng ta đã dập tắt các ổ dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn. Người dân đã có tâm lý “coi như hết dịch”, thậm chí Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương đã xuất hiện tâm lý chủ quan. Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới còn hết sức phức tạp, khó lường. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu.
Thực tế, những ngày gần đây, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh từ nước ngoài về. Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng, do chúng ta tổ chức đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước sang Việt Nam làm việc tại các dự án…
Chính vì vậy, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”. Thậm chí giai đoạn này còn có phần khó hơn, bởi sau thời gian dài không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, nên người dân có tâm lý buông lỏng. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được có tâm lý xả hơi.
Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiếp tục thực hiện tốt chiến lược ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, “bao đê cho chặt”, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đường biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn lối mở. Ở trong nước phải thực hiện nghiêm công tác cách ly, tiếp tục tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với những nhóm đối tượng, khu vực có nguy cơ...
Trước nhu cầu nhập cảnh rất lớn đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án của Việt Nam cũng như những nhà đầu tư vào tìm kiếm cơ hội làm ăn, Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất phải có hướng dẫn chi tiết theo quy trình khép kín từ xem xét cấp thị thực nhập cảnh cho đến việc chuẩn bị cơ sở cách ly và các điều kiện theo dõi sức khoẻ sau khi cách ly đối với những đối tượng này. Ngành công an có trách nhiệm về việc này vì là cơ quan có ý kiến quyết định đối với xét cấp thị thực nhập cảnh cũng như là đầu mối tổ chức các cơ sở cách ly ngoài các khu cách ly tập trung của quân đội.
Đáng chú ý, các chuyên gia cũng nêu nguy cơ, rủi ro lây nhiễm từ thành viên tổ bay, phi hành đoàn của các hãng hàng không ở nước ngoài, vốn vẫn sinh hoạt bình thường, không phải cách ly trước khi thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam. Vì vậy, Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý và yêu cầu Bộ GTVT, các địa phương phải siết chặt các quy định về cách ly phi hành đoàn, tổ bay các chuyến bay chở khách cũng như vận tải hàng hoá quốc tế đến Việt Nam. Những phi hành đoàn này phải ở khách sạn riêng, không được ở chung những khách sạn có các đối tượng khách lưu trú khác để tránh nguy cơ, rủi ro lây nhiễm.