Sức khỏe

Dịch chưa kết thúc, cảnh giác không thừa

Đức Trân 26/05/2025 15:09

Trong khi nhiều người dần xem Covid-19 là câu chuyện đã thuộc về quá khứ, thì thực tế lại cho thấy một điều ngược lại: virus SARS-CoV-2 vẫn đang âm thầm tồn tại trong cộng đồng, với những ca mắc rải rác xuất hiện trở lại tại nhiều địa phương. Dù chưa có dấu hiệu báo động, nhưng những thay đổi về dịch tễ và biến thể mới đặt ra yêu cầu tiếp tục cảnh giác, không chủ quan trong phòng, chống dịch.

Ca mắc rải rác – Dấu hiệu không thể bỏ qua

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tháng 4/2025, toàn cầu ghi nhận 25.463 ca mắc Covid-19 mới tại 82 quốc gia, giảm gần 57% so với kỳ báo cáo trước đó. Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn ghi nhận mức tăng cao như Thái Lan với hơn 53.000 ca và 16 ca tử vong chỉ trong vòng một tháng, chủ yếu liên quan đến các biến thể phụ của Omicron.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 19/5/2025, cả nước ghi nhận 148 ca mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, không ghi nhận trường hợp tử vong. Tình hình dịch bệnh cơ bản vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, một số địa phương có số ca mắc tăng rải rác.

Tại Hà Nội, báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho thấy, trong tuần từ 16–23/5/2025, toàn thành phố ghi nhận 155 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm lên 192 trường hợp. Con số này tuy giảm so với cùng kỳ năm 2024 (641 ca), nhưng lại có xu hướng tăng nhẹ trong hai tuần gần đây.

Bệnh viện Thanh Nhàn – một trong những đơn vị tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 thông tin, cơ sở y tế này ghi nhận 12 ca bệnh từ đầu tháng 5, trong đó có 6 ca đang điều trị nội trú.

Trong khi đó, Bệnh viện Nhi Hà Nội cũng ghi nhận sự gia tăng nhanh của số trẻ mắc Covid-19 đến khám và nhập viện, có ngày lên tới 24 ca.

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: “Từ đầu tháng 5, chúng tôi đã ghi nhận sự tăng lên rải rác của các ca Covid-19 ở trẻ nhỏ, với biểu hiện chủ yếu là sốt cao, ho kéo dài, viêm phổi mức độ trung bình. Chưa có ca nào phải thở máy, nhưng đây là nhóm nguy cơ, cần theo dõi sát.”

Còn tại TPHCM, kết quả giải trình tự gen cho thấy biến thể phụ NB.1.8.1 chiếm tới 83% trong các mẫu bệnh phẩm. Đây là một biến chủng thuộc nhánh Omicron, có nguồn gốc từ JN.1, được WHO xếp vào nhóm "biến thể đang được theo dõi" (VUM). Biến thể này được ghi nhận tại ít nhất 22 quốc gia và có đặc điểm lây lan nhanh hơn nhưng triệu chứng thường nhẹ, dễ nhầm với cảm cúm, gây tâm lý chủ quan trong cộng đồng.

covid thanh nhàn
Chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn (ảnh: BVCC)

Những số liệu nói trên phản ánh thực tế rằng Covid-19 vẫn đang tồn tại như một bệnh truyền nhiễm nhóm B, có thể bùng phát thành các đợt nhỏ nếu không được giám sát chặt chẽ.

WHO khẳng định, mặc dù Covid-19 đã không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng virus vẫn lưu hành rộng rãi và có khả năng tiếp tục gây ra bệnh nặng, tử vong cũng như các di chứng hậu Covid-19, đặc biệt ở người cao tuổi và nhóm có bệnh nền. Do đó, các quốc gia vẫn cần duy trì năng lực giám sát và phòng ngừa dịch bệnh một cách linh hoạt, chủ động.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cũng đưa ra nhận định: “Hà Nội vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao về các bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19. Việc số ca mắc đang được kiểm soát tốt không đồng nghĩa với việc có thể lơ là. Bài học từ các giai đoạn dịch trước cho thấy tốc độ lây lan của virus là rất nhanh nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời.”

Ngành y tế chủ động ứng phó

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa hè. Bên cạnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, Covid-19 tiếp tục được liệt vào nhóm bệnh cần tập trung giám sát, đặc biệt trong bối cảnh mưa bão, du lịch hè và gia tăng đi lại.

Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế phối hợp với các ban, ngành tăng cường giám sát ca bệnh viêm phổi do virus, giám sát theo sự kiện, chuẩn bị khu cách ly, vật tư y tế và kế hoạch phân tuyến điều trị. Các cơ sở khám chữa bệnh cần bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác điều trị và sẵn sàng điều động đội cơ động khi cần thiết.

TPHCM – địa phương ghi nhận số ca mắc cao – đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp cùng các viện nghiên cứu để giải trình tự gen định kỳ, kịp thời phát hiện biến thể mới. Đồng thời, các bệnh viện trên địa bàn được yêu cầu rà soát lại quy trình phân luồng, tăng cường tập huấn điều trị và dự phòng nguy cơ tăng ca vào mùa hè và mùa đông.

Bộ Y tế tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo thông điệp “5K mở rộng”, gồm: đeo khẩu trang nơi công cộng và bệnh viện, rửa tay sát khuẩn, hạn chế tụ tập không cần thiết, nâng cao thể lực và miễn dịch, chủ động đi khám khi có triệu chứng.

Có thể nhận thấy, chiến lược hiện nay của ngành y tế là quản lý dịch bền vững –không cực đoan, nhưng tăng cường năng lực điều trị và kiểm soát nội viện. Các cơ sở y tế cũng được giao nhiệm vụ theo dõi sát các biểu hiện viêm đường hô hấp chưa rõ nguyên nhân, đảm bảo phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhất là ở trẻ nhỏ và người có bệnh nền.

covid thanh nhàn 2
Covid-19 vẫn có nguy cơ đe dọa sức khỏe của người dân, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ và người có bệnh nền (ảnh: BV Thanh Nhàn CC)

Cảnh giác đúng mức, không bi quan, không buông lỏng

Trao đổi về tình hình dịch Covid-19, BS Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng nhận định: “Từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam kiểm soát khá tốt tình hình dịch Covid-19. Không ghi nhận ca tử vong nào, số ca mắc tuy có dao động nhưng vẫn ở mức thấp, phân bố rải rác tại các tỉnh, thành phố. Kết quả này là minh chứng cho sự chuyển mình của hệ thống y tế sau giai đoạn đại dịch, với cách tiếp cận phòng dịch chủ động và bền vững hơn”.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng phân tích: “Điều đáng quan tâm hiện nay là sự xuất hiện của biến thể phụ NB.1.8.1 – một nhánh mới thuộc họ Omicron. Biến thể này có tốc độ lây lan nhanh, được ghi nhận tại hơn 20 quốc gia và hiện chiếm ưu thế tại TP.HCM, xuất hiện trong 83% mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gen. Đây là dấu hiệu dịch tễ cần theo dõi chặt chẽ, bởi NB.1.8.1 có thể gây ra các đợt bùng phát cục bộ nếu không có các biện pháp ứng phó phù hợp. Về đặc điểm, NB.1.8.1 có nhiều đột biến tại vùng RBD của protein gai – nơi quyết định khả năng bám dính vào tế bào người. Điều này lý giải vì sao biến thể này có tốc độ lây nhiễm cao, dù hiện tại chưa ghi nhận trường hợp bệnh nặng hay tử vong liên quan tại Việt Nam. Điểm đáng lưu ý là triệu chứng của NB.1.8.1 tương đối nhẹ, kéo dài âm ỉ và dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường: sốt nhẹ, đau họng, ho khan, mệt mỏi, chán ăn hoặc rối loạn tiêu hóa. Chính sự “không rõ ràng” này dễ khiến người mắc chủ quan, không đi khám hoặc xét nghiệm, từ đó làm tăng nguy cơ lây lan trong cộng đồng một cách thầm lặng”.

BS Nguyễn Huy Hoàng khẳng định: “Hiện tại, chưa có biến chủng nào đủ nguy hiểm để khiến vaccine mất tác dụng hoàn toàn. Các loại vaccine cập nhật theo biến thể JN.1 (như Pfizer, Moderna trong chương trình 2024–2025) vẫn tạo được miễn dịch chéo tốt với NB.1.8.1. Mức độ giảm hiệu quả kháng thể chỉ ở khoảng 1,5–1,6 lần – điều hoàn toàn chấp nhận được. Do đó, điều quan trọng nhất lúc này là duy trì trạng thái sẵn sàng của hệ thống y tế và củng cố ý thức cộng đồng. Phòng bệnh không cần trở lại với các biện pháp cực đoan như phong tỏa, nhưng cũng không thể buông lỏng hoàn toàn. Thay vào đó, cần tập trung vào giải trình tự gen định kỳ tại các đô thị lớn để phát hiện sớm biến thể mới. Truyền thông rõ ràng, tránh gây hoang mang nhưng không né tránh thực tế. Bảo vệ nhóm nguy cơ gồm người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai, đặc biệt tại các khoa thận, tim mạch, hồi sức. Tiêm nhắc vaccine đúng lịch, nhất là với nhóm có nguy cơ cao hoặc làm việc trong môi trường y tế. Giữ vệ sinh nơi công cộng, đeo khẩu trang tại bệnh viện, xe buýt và những điểm đông người”.

Quan trọng hơn, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức: Covid có thể đã lùi về trạng thái lưu hành, nhưng nguy cơ chưa bao giờ mất đi. Cần nhìn nhận dịch bệnh như một thực tế y tế dài hạn, thay vì chỉ là một “sự kiện khẩn cấp” đã qua. Cảnh giác đúng mức, bình tĩnh ứng phó, không chủ quan, không hoang mang – đó là chiến lược ứng xử cần thiết với Covid-19 trong giai đoạn hiện nay – BS Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch chưa kết thúc, cảnh giác không thừa