Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến khó lường nhưng hàng nghìn người dân vẫn đổ về chùa Phúc Khánh để cầu bình an. Cùng với đó là những hình ảnh phản cảm ở nơi thờ tự vốn được coi là chốn tôn nghiêm.
Dẫu biết phong tục đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc ta, nhưng trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 người dân không nên tới những nơi đông người tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong cộng đồng. Đây lại là những địa điểm khoảng cách khó kiểm soát .
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có chiều hướng căng thẳng, ngày 3/2, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 03/CT-UBND về thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, yêu cầu dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung đông người: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc; Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết…
Tuy nhiên, những hình ảnh mà phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận trong buổi chiều ngày mùng 1 Tết âm lịch (12/2/2021) tại chùa Phúc Khánh (địa chỉ ở Cầu vượt Ngã Tư Sở, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội) lại cho thấy sự lơ là, chủ quan trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Ngay dọc đường dẫn vào chùa Phúc Khánh, trong buổi chiều mùng 1 Tết âm lịch, lượng khách thập phương đã đổ về đây rất đông, phương tiện dừng đỗ hai bên đường khiến việc di chuyển qua đây gặp khó khăn. Nhiều điểm trông giữ xe tự phát trên vỉa hè đã mọc lên với mức phí thu cao gấp 4 – 5 lần so với phí quy định của nhà nước.
Bên trong khuôn viên chùa Phúc Khánh, lượng người đến lễ chật kín, đứng lễ cả trong điện và ngoài sân. Với khoảng cách không đảm bảo như vậy luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo khó kiểm soát.
Theo quan sát của phóng viên, mặc dù trong khuôn viên chùa có treo, dán rất nhiều thông báo đề nghị áp dụng các biện pháp phòng dịch tuy nhiên nhiều người vẫn không thực hiện.
Trao đổi nhanh với phóng viên, bà Vũ Mai Khanh, Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi sẽ cho tăng cường lực lượng để nhắc nhở mọi người, năm nay không tổ chức các buổi hóa lễ, đây là khách thập phương đến lễ. Tôi đã cho tăng cường lực lượng ứng trực và phân công. Có nhắc nhở nhà chùa rồi, tôi sẽ cho tăng cường nhắc nhở thêm. Cái này cũng là tình hình chung, mình không cấm được nhân dân thì phải tăng cường lực lượng để nhắc nhở”.
Không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tại khuôn viên chùa Phúc Khánh theo ghi nhận thực tế còn xuất hiện việc người dân đi lễ rải tiền công đức là những đồng tiền lẻ ở khắp nơi trong chùa, tạo ra những hình ảnh phản cảm ở nơi thờ tự vốn được coi là chốn tôn nghiêm.
Năm nay, mặc dù không xuất hiện bảng giá niêm yết cho lễ cầu an, dâng sao giải hạn như nhiều năm trước nhưng dường như vẫn có một quy định “ngầm” tại đây. Tại thời điểm phóng viên ghi nhận thực tế nơi thu tiền để cầu an, giải hạn, phía nhà chùa “báo giá” của hai sao cầu an cho một vị khách thập phương với mức giá 450 nghìn đồng. Khi người khách thập phương này đưa ra tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng thì người thu tiền của phía nhà chùa cho biết không có tiền trả lại: “Không có tiền trả lại đâu bác đi đổi lại tiền đi”.
Khi hỏi về mức giá để dâng sao giải hạn, một số khách thập phương đang thực hiện đăng ký vào tờ khai sao cho biết: “Có cái 150 nghìn đồng/1 sao, có cái 250 nghìn đồng/1 sao (tùy từng loại sao nặng nhẹ - PV), người ta không treo giá đâu, vào kia người ta xem sao nặng thì đặt tiền nhiều, nhẹ thì không phải làm”.
Bên cạnh đó, trong khuôn viên của chùa Phúc Khánh còn xuất hiện bảng ví điện tử momo “Quét mã cúng dường đầu năm may mắn”.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang cho biết thêm: “Tôi có biết việc này, đó là cái đăng ký online để giảm bớt người đi đến, cái đấy mình không khuyến khích nhưng không nên cấm nhà chùa. Cái này bạn phải hỏi trên hội Phật giáo”.