Tổ chức y tế thế giới (WHO) ngày 11/3 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Trước tình hình phức tạp khi dịch bệnh lan rộng trên phạm vi toàn cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng Việt Nam phải chuyển sang trạng thái phòng chống ở mức độ cao hơn.
Điều trị tích cực cho bệnh nhân Covid-19.
Phân biệt triệu chứng Covid-19 và bệnh cảm lạnh, cảm cúm
Cúm là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam, đặc biệt mỗi khi thời tiết giao mùa. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Cúm vẫn là một trong những thách thức sức khỏe lớn nhất với cộng đồng. Mỗi năm trên toàn cầu, ước tính có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc cúm, trong đó có 3 đến 5 triệu trường hợp nặng, khoảng 290.000 đến 650.000 người tử vong do các bệnh hô hấp liên quan đến cúm mỗi năm.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng, mặc dù có nhiều triệu chứng giống nhau nhưng thực tế người nhiễm virus Covid-19, cảm lạnh, cảm cúm lại do các virus khác nhau gây ra. Khoảng 2 đến 14 ngày sau khi virus Covid-19, xâm nhập vào cơ thể, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như ho khan, đau họng.
Ho khan, thậm chí có đờm đặc và bọt khả năng cao là dấu hiệu của bệnh viêm phổi. Theo các chuyên gia y tế, đây chính là một trong những triệu chứng khá nghiêm trọng và phổ biến của Covid-19. Ho do virus corona sẽ không khỏi khi uống thuốc trị ho thông thường. Do vậy nếu thấy ho nhiều, kéo dài đừng chủ quan hãy đi khám sức khỏe ngay. Bác sĩ sẽ dựa vào khám lâm sàng và xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh.
Tiếp theo người bệnh sẽ cảm thấy khó thở. Triệu chứng này xuất hiện ở đa số các trường hợp nhiễm Covid-19. Virus này gây ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, kiểm soát hệ hô hấp, dẫn đến triệu chứng khó thở, tức ngực,… Các chuyên gia y tế khẳng định, nếu người bệnh bị ho, lại còn cảm thấy khó thở thì khả năng nhiễm Covid-19 là rất cao.
Tiếp đến là biểu hiện sốt cao. Không phải tất cả người nhiễm virus Covid-19 đều bị sốt. Tuy nhiên, sốt cũng được coi là dấu hiệu, căn cứ để sàng lọc các trường hợp nghi mắc bệnh. Mức độ sốt ở nhiều người nhiễm bệnh có thể khác nhau. Có những người thân nhiệt tăng cao và một số người bị sốt nhẹ.
Đường đi của chủng mới virus corona
Theo PGS Trần Đắc Phu- cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp, Bộ Y tế, sự khác nhau giữa triệu chứng Covid-19 và cảm lạnh, cảm cúm. Nếu như cảm lạnh, cảm cúm thông thường không gây ra những nhiễm trùng nghiêm trọng, cơ thể bạn sẽ dần hồi phục khi được điều trị bằng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc uống thuốc cảm tại nhà. Thậm chí, nhiều trường hợp không cần dùng thuốc, chỉ nghỉ ngơi và uống đủ nước, bệnh cảm lạnh, cúm mùa sẽ thuyên giảm trong vòng 3 – 7 ngày.
Tuy nhiên, nếu bạn nhiễm virus corona chủng mới, mức độ biểu hiện sẽ nặng nề. Việc uống thuốc thông thường không làm tình trạng bệnh đỡ hơn. Bởi hiện nay chưa có thuốc trị bệnh chính thức. Ngoài triệu chứng thân nhiệt tăng cao bất thường, virus Covid-19 tấn công mạnh vào hệ hô hấp, gây viêm phổi, dẫn đến tình trạng thiếu oxy, khó thở rõ rệt. Đây là dấu hiệu đặc trưng mà cảm lạnh, cảm cúm thông thường không có.
Trong trường hợp gặp các triệu chứng này, hãy bình tĩnh phân biệt và không nên chủ quan. Tốt nhất là nên tới bác sĩ để được xét nghiệm kịp thời, chính xác nhất. WHO cũng khuyến cáo những người bị ho dai dẳng, sốt và cảm thấy khó thở nên đi khám sớm. Đồng thời, hãy kể cho bác sĩ biết lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Sự lây lan của virus corona chủng mới từ người sang người xảy ra trong quá trình tiếp xúc gần với khoảng cách dưới 1,8m, thông qua giọt bắn của nước bọt khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, tương tự như cách thức lây lan bệnh cúm và các bệnh đường hô hấp khác. Những giọt bắn này sẽ chạm vào mũi hoặc miệng của người tiếp xúc gần với người bệnh và được người tiếp xúc hít vào phổi.
Khác với các loại bệnh đường hô hấp khác chỉ lây nhiễm khi người bệnh có biểu hiện bệnh rõ ràng (thời kỳ bệnh nặng nhất), Covid-19 có thể lây truyền ngay cả trong thời gian ủ bệnh, khi bệnh nhân chưa có bất kì triệu chứng rõ rệt nào.
Về vấn đề này, theo TS.BS Lê Quốc Hùng-Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM): Có hai con đường lây lan Covid - 19: Một là tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn (dịch tiết như nước bọt, nước mũi) của người nhiễm bệnh; hai là gián tiếp qua đụng chạm, sờ tay vào các vật dụng có dính dịch tiết, giọt bắn, các chất trong vùng hầu họng có mang virus, sau đó đưa lên mặt, vùng mũi miệng.
“Với giọt bắn, bắn trực tiếp từ người bệnh sang người tiếp xúc thì khả năng lây lan phụ thuộc vào việc giọt bắn đi tới đâu. Khoảng cách trên 1,8m thì có thể tránh được. Virus corona không đủ nhẹ để bay. Virus này không lơ lửng trong không khí”- BS Hùng khẳng định; đồng thời khuyên mọi người không nên quá hoảng sợ mà cho rằng virus lơ lửng trong không khí khiến hít thở cũng có thể lây bệnh.
Nghiên cứu phác đồ điều trị, vaccine phòng bệnh Covid-19
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly và chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng. Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đến từ, đi qua vùng có dịch tại các cơ sở cách ly; thực hiện sàng lọc và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp đối với từng loại trường hợp tại các khu cách ly tập trung, không để lây chéo. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao kịp thời công bố danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch để áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với người nhập cảnh Việt Nam từ vùng dịch.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, vaccine phòng bệnh Covid-19; sớm đưa bộ KIT thử vào sử dụng. Bộ Y tế rà soát việc bảo đảm nhân lực, phương tiện, vật tư y tế sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch lây lan trên diện rộng.
Tiếp tục thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch tại Việt Nam, về các trường hợp thuộc đối tượng cách ly tập trung hoặc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng theo đúng quy định; chú trọng đưa tin có chọn lọc nhằm ổn định xã hội.
Xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội và các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tư pháp đề xuất các hình thức xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm về khai báo y tế, không chấp hành cách ly.