Trung Quốc hôm 21/4 một lần nữa kêu gọi Mỹ ngừng đổ lỗi cho họ gây ra đại dịch do virus Corona chủng mới gây nên, nói rằng họ “cũng là một nạn nhân”, trong bối cảnh sức ép của cộng đồng quốc tế đổ dồn lên Bắc Kinh liên quan tới cách xử lý dịch bệnh của họ.
Trong lúc các cuộc tranh cãi nổ ra thì số nạn nhân của Covid-19 ở Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng.
Sức ép gia tăng
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo hôm thứ Ba nói rằng cộng đồng quốc tế nên phối hợp làm việc thay vì cứ đổi lỗi cho nhau hay yêu cầu bồi thường.
“Cộng đồng quốc tế chỉ có thể vượt qua virus nếu họ đoàn kết và hợp tác để tạo nên nỗ lực chung” - ông Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh - “Công kích và hạ thấp uy tín các nước khác chỉ đơn giản là lãng phí thời gian và không thể cứu sinh mạng người”.
Ông nói thêm người dân Mỹ nên hiểu rằng kẻ thù của họ là virus corona chủng mới, chứ không phải Trung Quốc. “Trung Quốc đã bị virus này tấn công và cũng là một nạn nhân của nó. Chúng tôi không phải thủ phạm, cũng không phải tòng phạm với virus” - ông Cảnh Sảng nói.
Phát ngôn của ông Cảnh Sảng xuất hiện giữa lúc có nhiều lời kêu gọi điều tra cách xử lý bệnh dịch Covid-19 ở Vũ Hán, nơi ghi nhận những ca mắc đầu tiên - và hiện giờ đã lây nhiễm cho hơn 2,4 triệu người, khiến hơn 165.000 người chết trên toàn thế giới - vào tháng 12 năm ngoái.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo về Covid-19 hồi cuối tuần trước nói rằng Mỹ đang đề nghị Trung Quốc cho phép một đội chuyên gia của họ tới Vũ Hán để điều tra. Trước đó một ngày, ông Trump cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đối mặt với “nhiều hậu quả” nếu bị phát hiện “cố ý” gây ra đại dịch Covid-19, trong khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói Mỹ “sẽ tổ chức các cuộc điều tra chính thức về việc này vào thời điểm phù hợp”.
Ở Mỹ, hơn 41.000 người đã tử vong do Covid-19 và hơn 759.000 người dương tính với virus corona chủng mới, khiến nước này trở thành nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất do đại dịch.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Australia Marise Payne hôm cuối tuần qua cũng đặt câu hỏi về sự minh bạch thông tin của Trung Quốc đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra làm rõ nguồn gốc virus corona và cách ứng phó dịch của Bắc Kinh.
“Chúng ta cần biết nhiều thông tin chi tiết và một cuộc điều tra độc lập sẽ giúp chúng ta xác định nguồn gốc của virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19, cách xử lý khủng hoảng và chia sẻ thông tin”- bà Payne nói với đài ABC ngày 19/4.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm thứ Năm tuần trước nói rằng Trung Quốc cần phải trả lời “những câu hỏi khó” về cách mà đại dịch Covid-19 xảy ra và đáng lẽ đại dịch đã có thể được ngăn chặn từ sớm.
“Rõ ràng là chúng ta cần đào rất sâu về sự kiện lần này và xem xét lại những bài học, trong đó bao gồm đợt bùng phát virus”- Ngoại trưởng Raab nói trong một cuộc họp báo tổ chức tại London - “Tôi không nghĩ chúng ta có thể bỏ qua điều đó”.
“Không nghi ngờ gì khi chúng tôi không thể làm việc như bình thường sau cuộc khủng hoảng này” – ông Raab nói thêm – “Chúng ta cần phải hỏi những câu hỏi khó về việc nó (dịch bệnh) bắt nguồn từ đâu và nó có thể được ngăn chặn sớm như thế nào”.
Đổ lỗi lẫn nhau
Trong cuộc họp báo tuần này, ông Cảnh Sảng nói ông hy vọng người dân Mỹ sẽ tôn trọng thực tế và khoa học, ngừng “công kích và cáo buộc không xác đáng” nhằm vào Trung Quốc; nhắc tới sự hoài nghi về sự trỗi dậy của virus corona chủng mới.
“Nguồn gốc của virus là một vấn đề khoa học nghiêm túc và nên được xử lý bởi các nhà khoa học, các chuyên gia y tế. Nó không nên bị chính trị hóa”- ông Cảnh Sảng nói.
Đề cập tới một số báo cáo về vụ kiện Trung Quốc vì Covid-19 xuất phát từ bang Florida, Mỹ, ông Cảnh Sảng nói rằng Mỹ cũng không bồi thường bất kỳ ai sau khi xảy ra đại dịch cúm H1N1 năm 2009, vốn xuất hiện đầu tiên ở Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc vẫn đang “bị khóa chặt” trong trò chơi đổ lỗi lẫn nhau. Ban đầu, Tổng thống Trump còn sử dụng cụm từ “virus Vũ Hán” để chỉ virus corona chủng mới trong khi một quan chức Bắc Kinh (Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên) nêu giả thuyết rằng quân đội Mỹ có thể đã mang virus này tới Vũ Hán.