Tây Ban Nha đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong hôm đầu tuần này nhằm ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, trong lúc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục trên toàn thế giới.
Những kỷ lục mới
Theo dữ liệu mà WHO công bố hôm đầu tuần, Pháp đã báo cáo số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục là 50.000, trong khi giới chức Trung Quốc bắt đầu thực hiện xét nghiệm diện rộng bao phủ 4,75 triệu người dân ở khu vực Tây Bắc nước này sau khi phát hiện thêm 137 ca nhiễm mới tại đây.
Ở Mỹ, quốc gia hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 với khoảng 225.000 ca tử vong, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump “vẫy cờ trắng thua trận” sau khi Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows tuyên bố rằng “Chúng tôi sẽ không kiểm soát được đại dịch”.
WHO từng cảnh báo rằng một số quốc gia đang trên “con đường nguy hiểm” khi chứng kiến số ca nhiễm mới tăng đột biến, đồng thời kêu gọi chính quyền các nước đưa ra hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Cơ quan thuộc LHQ dẫn ra dữ liệu cho thấy 465.319 ca nhiễm đã được ghi nhận chỉ tính riêng trong hôm thứ Bảy tuần trước, một nửa trong số đó là ở châu Âu – khu vực đang đặc biệt chịu rủi ro từ đại dịch Covid-19 khi mùa Đông tới dần.
Đại dịch Covid-19 giờ đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,1 triệu người dân và khiến hơn 42 triệu người nhiễm trên phạm vi toàn cầu.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi sự đoàn kết trên toàn thế giới trong lúc vaccine ngừa Covid-19 sắp được ra mắt, cảnh báo rằng “chủ nghĩa dân tộc về vaccine sẽ khiến đại dịch kéo dài chứ không rút ngắn nó”.
Trong lúc đại dịch tiếp tục ảnh hưởng tới khắp châu Âu, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tuyên bố áp dụng tình trạng khẩn cấp mới cùng lệnh giới nghiêm vào buổi tối trên phạm vi toàn quốc, chỉ trừ quần đảo Canary.
Tây Ban Nha là nước thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) vượt mốc 1 triệu ca nhiễm, kế đó là nước láng giềng phía Bắc – Pháp. “Tình hình mà chúng ta đang phải trải qua là rất nghiêm trọng”, ông Sanchez nhấn mạnh.
Italy – được xem là tâm dịch trong làn sóng dịch đầu tiên tràn vào châu Âu – cũng đã tăng cường các biện pháp giới hạn và ra chỉ thị đóng cửa các rạp chiếu bóng, rạp hát, phòng tập gym và đóng cửa các quán bar, nhà hàng.
Căng thẳng leo thang
Chính phủ nhiều nước hiện cũng đang tỏ ra chật vật trong việc cân bằng giữa các lệnh giới hạn mới và việc phục hồi lại nền kinh tế vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh phong tỏa trước đây; sau khi dịch bùng phát lần đầu tiên tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thời điểm cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo sợ rằng các biện pháp giãn cách xã hội cùng tình hình khó khăn của nền kinh tế tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật.
“Điều này sẽ hủy hoại chúng tôi”, Augusto D’Alfonsi, người sở hữu một nhà hàng chuyên món cá tại Rome, Italy nói sau khi các biện pháp mới được công bố, “Chúng tôi đã mất 50%lượng khách trong năm nay. Nếu không có khoảng viện trợ của chính phủ, chúng tôi chắc sẽ chết”.
Hàng chục người biểu tình cực hữu ở Rome đã có cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động trong đêm, chống lại một lệnh giới nghiêm mới được áp dụng. Nhiều người biểu tình bắn pháo hoa, đốt cháy thùng rác và ném nhiều vật thể về phía cảnh sát.
Dữ liệu của WHO cho thấy 465.319 ca nhiễm đã được ghi nhận chỉ tính riêng trong hôm thứ Bảy tuần trước, một nửa trong số đó là ở châu Âu – khu vực đang đặc biệt chịu rủi ro từ đại dịch Covid-19 khi mùa Đông tới dần. Đại dịch Covid-19 giờ đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,1 triệu người dân và khiến hơn 42 triệu người nhiễm trên phạm vi toàn cầu.
Trong khi đó, cảnh sát ở Berlin, Đức cũng phải dẹp một cuộc biểu tình phản đối các lệnh giới hạn, và mở một cuộc điều tra phóng hỏa sau khi xảy ra một vụ tấn công nhằm vào tòa nhà trụ sở cơ quan y tế công.
Ngoài ra cũng có nhiều người phản đối việc áp dụng lệnh giới hạn chặt chẽ hơn ở Tây Ban Nha, mặc dù một số nói rằng họ chấp nhận các biện pháp này.
“Lệnh giới nghiêm là tốt đối với những người hay nhậu nhẹt trên phố, bởi thời nay người ta ra ngoài rất nhiều, họ không bị kiểm soát và rồi điều gì xảy ra cũng xảy ra”, Juan Pelayo, một sinh viên 17 tuổi sống ở Valladolid, nói.
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19, và trong hôm cuối tuần trước, họ đã ghi nhận con số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp, gần 89.000 ca nhiễm.
Covid-19 còn trở thành một vấn đề tâm điểm của kỳ bầu cử Tổng thống ngày 3/11, trong đó ông Biden và ông Trump tranh cãi gay gắt về cách ứng phó đại dịch. Cố vấn của Phó Tổng thống Mike Pence đã dương tính với Covid-19 trong hôm thứ Bảy tuần trước, là người mới nhất trong chính quyền Trump nhiễm bệnh.
Sau Mỹ, các nước khác cũng chịu ảnh hưởng nặng như Brazil, Ấn Độ, Mexico và Anh; trong khi Colombia mới đây đã ghi nhận 1 triệu ca nhiễm Covid-19. Đại dịch cũng không buông tha các chính trị gia, khi mới đây nhất Thủ tướng Bulgaria tham gia danh sách những nhà lãnh đạo bị mắc Covid-19.