Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25%; trong đó, khu vực thành thị tăng 0,34%, cao hơn mức tăng 0,14% của khu vực nông thôn.
Nguyên nhân tăng nhẹ của CPI tháng 8 là chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm của khu vực thành thị tăng; việc nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng khiến giá cả biến động. Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính trong tháng 8 có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước; 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định.
Đại diện Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: CPI tăng trong 8 tháng năm nay do: Giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86% khiến CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm… Giá gạo trong nước cũng tăng theo giá gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm nay, giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,38% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 8/2021 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước vẫn được đánh giá đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.