Dư luận đang chứng kiến một sự kiện lớn trong ngành bán lẻ. Đó là Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thỏa thuận việc sáp nhập Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Động thái này cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang khẳng định vị thế, kết nối để vươn lên cạnh tranh một cách lành mạnh.
Cơ hội lớn cho các DN bán lẻ nội sau cú bắt tay lịch sử. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Vinmart và Masan về chung một nhà
Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce là thành viên của Tập đoàn Vingroup, sở hữu hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+. Trong đó, VinEco là đơn vị chuyên đầu tư mảng nông nghiệp của Vingroup.
Theo nội dung thỏa thuận, VinCommerce, VinEco và Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sẽ sáp nhập để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ. Cụ thể Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.
Trong thông báo gửi nhân viên của mình, Vingroup cho biết tỉ lệ sở hữu trong công ty mới của họ không còn là đa số. Hoạt động này theo Vingroup là nằm trong chiến lược tập trung vào mảng công nghệ và công nghiệp. Sau khi tiếp quản, Masan Consumer sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách với nhà cung cấp, khách hàng. Nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.
Theo Vingroup, thỏa thuận nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam. Hai bên đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để ký hợp đồng chính thức.
Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành, hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.
Hiện VinMart và VinMart+ đã trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam và tốc độ phát triển nhanh với mức tăng trưởng doanh thu trung bình 80%-100% mỗi năm. Thời gian qua, VinCommerce liên tục mở rộng sự hiện diện thông qua việc tăng số lượng cửa hàng, cũng như mua lại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vingroup cho biết, ngay từ đâu, Tập đoàn đã xác định chỉ chọn DN Việt nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt, đảm bảo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong nước.
Trước đó, dù SK của Hàn Quốc muốn rót 1 tỉ USD vào VinCommerce nhưng Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (công ty mẹ của VinCommerce) vẫn quyết định bắt tay với Masan.
Tạo đà bứt phá cho DN bán lẻ nội
Cú bắt tay giữa hai “đại gia” ngành bán lẻ được đánh giá là có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh ngành bán lẻ Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với các “ông lớn” bán lẻ ngoại.
Thời gian qua, chứng kiến sự xâm nhập của các DN bán lẻ ngoại vào thị trường trong nước, sự sáp nhập, mua bán, nắm giữ thị phần của các “ông lớn” đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… người ta không khỏi lo ngại cho tương lai của các DN bán lẻ nội. Đáng chú ý, không ít lần, các DN Việt “ngậm đắng” khi chứng kiến sản phẩm của mình bị các nhà phân phối ngoại không tiếp nhận, đơn cử sự vụ hàng may mặc của Việt Nam bị đẩy ra khỏi hệ thống BigC khi chuỗi siêu thị này về tay người Thái, hoặc tình trạng hàng hóa “made in Korea” tràn ngập Lotte…
Tất cả những sự việc đó cho thấy, hàng Việt có nguy cơ bị loại khỏi các hệ thống siêu thị ngoại nếu như các DN bán lẻ nội khó giữ được thị phần. Giới chuyên gia kinh tế cũng không ít lần bày tỏ sự lo lắng về việc thị trường bán lẻ ở Việt Nam có thể rơi vào tay các “đại gia” bán lẻ ngoại. Từ đó sẽ có những tác động không tốt đến sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam cũng như tác động đến người tiêu dùng trong nước. Và những sự vụ nói trên là minh chứng cho mối quan ngại đó.
Tuy nhiên, sự kiện Vinmart về “chung nhà” với Masan đang minh chứng một thực tế rằng, các DN bán lẻ nội đã và đang vươn lên giành thế chủ động, làm chủ cuộc chơi, không ngại bất cứ đối thủ “đáng gờm” nào. Cú bắt tay ấn tượng này hứa hẹn một sự thay đổi lớn trên thị trường bán lẻ, tạo một luồng sinh khí mới để các DN bán lẻ nội vươn lên làm chủ “sân nhà”.
Nhận định về sự sáp nhập này, nhiều ý kiến cho rằng, đây là cuộc “hôn nhân” có ý nghĩa rất lớn đối với ngành bán lẻ nước nhà. Theo ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội, trước cuộc đua khốc liệt của ngành bán lẻ thời gian qua, việc giữ vững thị trường nội địa, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước phát triển là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với các DN bán lẻ trong nước. Bởi vậy, thị trường rất cần những tập đoàn bán lẻ Việt làm ăn có trách nhiệm với hàng hóa Việt, sản xuất Việt, người tiêu dùng Việt, đồng thời có đủ sức dẫn dắt thị trường bán lẻ và góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, cú sáp nhập này là tín hiệu tốt tạo đà cho ngành bán lẻ nước nhà bứt phá trong thời gian tới. Theo vị chuyên gia, cú bắt tay này cũng thể hiện tinh thần đoàn kết của các DN Việt, đồng tâm gắn kết cùng phát triển vì một mục tiêu chung là thúc đẩy nền kinh tế nước nhà, nâng sức cạnh tranh, vững tin hội nhập.