Bên trong căn nhà chưa đầy 10 mét vuông ẩm thấp, ngổn ngang đồ đạc, cụ Lê Thị Thanh (91 tuổi) vẫn hàng ngày quanh quẩn bên đống đồ hàng xén cả tuần nay không bán được hàng vì giãn cách. Dù một thân một mình sống dựa vào gánh hàng ế ẩm mùa dịch, bà vẫn luôn nở nụ cười tươi rói: “nhất định phải lạc quan". ...
Gánh hàng xén rong ruổi hơn nửa đời người
Những ngày trước giãn cách, hình ảnh của một cụ bà lưng còng rạp đẩy chiếc xe chở đầy các loại kim chỉ, gương lược, khăn mặt, khuyên tai… rong ruổi trên những con đường đã không còn lạ lẫm với những người dân phường Minh Khai (Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội). Chợ Mơ, gốc cây đề là những địa điểm quen thuộc mà cụ Lê Thị Thanh (91 tuổi) vẫn hay ngồi bán hàng - gánh hàng xén đã theo chân bà cả mấy chục năm.
Người ta hay gọi bà là cụ Tư Mào, theo cách gọi của nhà chồng. Ở cái tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi vui vầy cùng con cháu, cụ vẫn hàng ngày mưu sinh bằng chính sức lao động cuối cùng của cuộc đời mình. Những ngày có dịch, gánh hàng xén đã chẳng kiếm được bao nhiêu, đến nay khi thành phố có chỉ thị giãn cách, cụ Tư Mào chỉ còn biết ở nhà, trông chờ vào số tiền ít ỏi dành dụm được.
Căn nhà cụ Tư Mào nằm sâu trong con ngách nhỏ thuộc ngõ Hòa Bình 2 (phường Minh Khai – Hai Bà Trưng). “Nhà cụ ở cuối cùng của ngõ ấy, cứ nhà nào bé nhất là nhà cụ”, một người dân chỉ đường cho PV Báo Đại Đoàn Kết Online. Căn nhà chỉ chưa đầy 10 mét vuông, ngổn ngang những vật dụng là nơi ở mấy chục năm nay của cụ Tư Mào. Một chiếc ti vi cũ, một cái quạt nhỏ cùng chiếc giường đơn bé tẹo đủ cho một người nằm là những thứ giá trị nhất của căn phòng. Cũng căn phòng này, mỗi mùa hè lại hầm hập oi bức, một mình cụ “lăn lộn” cả đêm dưới nền gạch cho đỡ nóng. Hay những trận mưa rào, nước hắt cả vào nhà, ướt hết gánh hàng xén, phải phơi mất mấy ngày mới khô để đem đi bán.
Chồng mất sớm khi mấy đứa con còn nhỏ, một mình cụ gồng gánh nuôi cả gia đình. Đến nay, những người con của cụ đều đi lập gia đình tha phương, không đỡ đần được bao nhiêu, chỉ có gánh hàng xén đã theo chân cụ hơn nửa đời người.
“Phải làm lấy mà ăn chứ không sống nhờ vả vào ai cả, cứ rong ruổi hôm hơn chục nghìn, hôm hai chục nghìn. Nghênh trời nghênh đất cho vui”, cụ Tư Mào nói.
Ngày hai gói mì, lạc quan mùa dịch vẫn quyên góp quần áo ủng hộ vùng khó khăn
Thế nhưng, trái ngược với hoàn cảnh đầy éo le và vất cả đó, trong đôi mắt đã mờ đục của cụ Tư Mào lúc nào cũng ánh lên cái nhìn của sự lạc quan. Cụ cho biết, mình chẳng sợ gì trước dịch dã dù ngày nào cũng theo dõi ti vi. Ở cái tuổi đã gần đất xa trời này, cụ tự tin vì cả đời đã làm việc và lao động hết sức. Đến những năm tháng cuối đời này, khi chiếc lưng đã còng rạp xuống, cụ vẫn ngày ngày đẩy gánh hàng xén kiếm vài chục nghìn mưu sinh.
Từ ngày Hà Nội có chỉ thị giãn cách, cụ được công an phường nhắc nhở nên phải ở nhà hơn cả tuần nay. Hôm nào cũng hai gói mì tôm qua ngày, ăn cho qua bữa. Thế nhưng, trái với suy nghĩ của PV, cụ không một lời than vãn, chỉ cười tươi rói: “Cứ đơn thuần, giản dị ăn cho qua ngày, tôi ăn mì mãi cũng thành quen, thi thoảng mới nấu cơm ăn, còn đâu cứ ngày nào cũng hai gói mì là xong bữa”. Cụ cũng cho biết, mấy ngày gần đây luôn được phường đến phát cơm tình nguyện, cũng có nhiều người đến mua sữa, mua mì cho cụ.
Dù đã ngoài cái tuổi 90, cụ Tư Mào vẫn nhai trầu bỏm bẻm, hàm răng đen bóng lúc nào cũng nở nụ cười lạc quan. Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, cụ Tư Mào kể: “Từ hồi trẻ đến giờ tôi chưa mất một chinh nào mua thuốc vì đau ốm. Ơn giời Phật cứ giản dị mì gói, cơm rau thế mà vẫn khỏe mạnh đến giờ.Sống ở đời người ta phải hiểu đời, tôi không thấy khó khăn, không thấy bất tiện, cũng chẳng nghĩ ngợi gì cả, bao giờ giời Phật đưa đi thì mình đi”.
Dù hoàn cảnh như vậy, nhưng cũng chính cụ Tư Mào là người hô hào mọi người quyên góp quần áo thừa để làm từ thiện, ủng hộ những vùng khó khăn. “Mình đã khổ rồi nhưng vẫn còn những người khổ hơn, chỗ ngập lụt họ còn chẳng có quần áo mà mặc. Tôi cứ hô hào rồi đi xin quần áo của mọi người về để ở nhà. Khi nào đầy khoảng chục bao là tôi gọi người đến mang đi quyên góp…”, cụ nói.
Rời khỏi căn nhà chật hẹp của cụ Tư Mào, câu nói của cụ cứ văng vẳng bên tai: “Con cháu Bác Hồ, đơn thuần, giản dị, chiến đấu đến cùng với dịch bệnh, thể nào dịch bệnh cũng sẽ qua đi”.