Giáo dục

Cử nhân “nghỉ hưu tuổi 35”

Lam Nhi 27/12/2023 07:52

Nhiều người có bằng cử nhân, chưa quá 35 tuổi nhưng đã có dấu hiệu tụt hậu về trình độ so với lớp đàn em và việc này có phần trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học (ĐH).

anh-b.jpg
Sinh viên ngành Công nghệ nông nghiệp, Trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Ảnh: Kim Trung.

Đó là câu chuyện GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu ra tại hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam”.

Theo GS Trình, lý do là vì những cử nhân nói trên đến tuổi 35, đồng nghĩa kiến thức của họ đã già cỗi, không thể cạnh tranh với những người trong độ tuổi 20. “Nghỉ hưu” ở độ tuổi ngoài 30, các cử nhân này phải về làm những công việc gia đình. Trách nhiệm, theo GS Chử Đức Trình, thuộc về các cơ sở giáo dục ĐH.

Trong thực tế, công tác đảm bảo chất lượng ở các trường ĐH hiện nay đã được quan tâm song vẫn chưa như kỳ vọng của nhiều người. Nói như GS Trình, đảm bảo chất lượng không những là sự sống còn của mỗi cơ sở giáo dục ĐH, mà còn là sự sống còn của cả hệ thống giáo dục Việt Nam. Đảm bảo chất lượng cuối cùng phải là đảm bảo chất lượng đầu ra về kiến thức, kỹ năng, kỷ luật, đạo đức của người tốt nghiệp ĐH.

Hiện nay các nhà trường đã xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên với những năng lực, yêu cầu cần đạt song khi tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Thậm chí, ngay cả những sinh viên xuất sắc nhất, vượt qua các vòng thi tuyển gắt gao nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Phó Giám đốc Học viện Viettel Dương Xuân Phượng cho biết, trong 2.000 sinh viên tốt nghiệp hạng xuất sắc, Tập đoàn Viettel chỉ chọn được 100 người và gần như phải đào tạo lại.

Một nghiên cứu của TS Thiều Huy Thuật và ThS Nguyễn Thị Ngọc, Phân viện Học viện Hành chính quốc gia khu vực Tây Nguyên chỉ ra: Năm 2020, có 225.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, hoặc chấp nhận làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo.

Đa số các doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng sinh viên ra trường. Tình trạng doanh nghiệp thiếu nhân sự nhưng khó tuyển người hoặc phải tốn thời gian, chi phí đào tạo lại nhân sự không phải điều xa lạ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, để sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia ngay thị trường lao động, bên cạnh kiến thức chuyên môn cần thiết đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, nhà trường cần cần trang bị những kỹ năng để sinh viên có thể thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Để làm việc tốt cho đến tuổi về hưu, ngoài vai trò quan trọng của nhà trường, người học cần chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng, học hỏi, trau dồi công nghệ mới.

Nhấn mạnh yếu tố tăng cường liên kết, hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp, TS Thiều Huy Thuật cho rằng các trường ĐH phải cam kết “chuẩn đầu ra” phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của xã hội, không phải “chuẩn đầu ra” do trường, cụ thể hơn nữa là do giảng viên tự xác định. Để gắn kết với nhu cầu xã hội, giáo dục ĐH phải gắn kết chặt chẽ hơn với các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động.

Nhà trường đào tạo kiến thức nhưng sinh viên cần phải có môi trường kết nối với doanh nghiệp, ứng dụng những gì được học vào thực tiễn. Những học kỳ doanh nghiệp, thực tập tại doanh nghiệp trong quá trình học... giúp sinh viên đỡ bỡ ngỡ khi ra trường. Tham gia làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, ngoài vận dụng kiến thức đã học, sinh viên còn học thêm nhiều kỹ năng cần thiết, biết mình thiếu gì, cần thêm gì để bổ sung, cập nhật.

TS Thiều Huy Thuật nhận định, Nhà nước định hướng nhu cầu nhân lực xã hội theo từng giai đoạn, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH nắm bắt thông tin, thực hiện sứ mệnh đào tạo. Chừng nào và khi nào giáo dục ĐH không tương thích với nhu cầu xã hội thì chừng đó còn lãng phí nguồn lực, khó đảm bảo chất lượng.

Phó Giám đốc Học viện Viettel Dương Xuân Phượng cho biết, trong 2.000 sinh viên tốt nghiệp hạng xuất sắc, Tập đoàn Viettel chỉ chọn được 100 người và gần như phải đào tạo lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cử nhân “nghỉ hưu tuổi 35”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO