Năm 2015, nền kinh tế được xem là đã có dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên tỉ lệ thất nghiệp dường như vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Chỉ trong quý I/2015, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp. So với cùng kỳ năm trước con số này tăng 114.000 người. Đáng chú ý, tỷ lệ trình độ chuyên môn của người thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%.
Cử nhân thất nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Gần 178 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý I/2015 vừa được Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTB&XH) công bố cho biết, số lao động trên cả nước có việc làm là 52,43 triệu người, giảm hơn 1 triệu người so với 2014. Trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 1.159.800 người thất nghiệp, tăng 114.200 người so với cùng kỳ 2014.
Cụ thể, so với quý IV-2014, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp ở quý I năm nay tăng từ 165.600 người lên 177.700 người; số lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 74.700 người lên 100.600 người; số lao động không có bằng cấp, chứng chỉ thất nghiệp tăng từ 600.500 người lên 726.100 người. Ngoài ra, nhóm lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề bị thất nghiệp ở quý I năm nay cũng tăng.
“Nếu như mọi năm tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhức nhối nhất thì năm nay, nhóm thất nghiệp nhiều nhất rơi vào lực lượng lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng và lao động không có bằng cấp, chứng chỉ. Số lao động không có bằng cấp, chứng chỉ thất nghiệp tăng từ 600.500 người lên 726.100 người. Ngoài ra, nhóm lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề bị thất nghiệp ở quý I năm nay cũng tăng” – Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết.
Liên quan tới mức thu nhập, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, thu nhập bình quân tháng trong quý I năm nay của hầu hết các nhóm nghề đều tăng so với cuối năm 2014, khoảng cách thu nhập giữa các nhóm nghề cũng đã thu hẹp. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước có mức tiền lương bình quân cao nhất (6,9 triệu đồng/tháng), nhóm lao động giản đơn có mức thu nhập trung bình thấp nhất (3,5 triệu đồng/tháng). Đặc biệt, vẫn còn 15,7% lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp (dưới 2,7 triệu đồng/tháng).
6 tháng cuối năm, sẽ nhiều khởi sắc?
Đánh giá về con số 177.000 cử nhân thất nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2015, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, số thất nghiệp chủ yếu rơi vào những người mới tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học. Điều này cho thấy số tốt nghiệp đại học, sau đại học, cao đẳng chuyên nghiệp gia nhập thị trường rất khó khăn. “Với quy mô đào tạo như hiện nay thì một năm có khoảng 400.000 lao động qua đào tạo đại học và trên đại học nhưng chúng ta thường xuyên có tới 170.000, thậm chí hơn nhóm đối tượng này không có việc làm. Đây là điều rất đáng suy nghĩ” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, dự báo năm 2015 nền kinh tế tiếp tục phục hồi, do đó trong quý II-2015 và 6 tháng cuối năm, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục ổn định và phát triển mạnh hơn so với quý I-2015. Các ngành dự báo sản xuất kinh doanh khả quan nhất là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học; sản xuất thuốc lá; sản xuất trang phục; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu...
Theo Bộ LĐTB&XH, mặc dù thị trường lao động những tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, tuy nhiên 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều khởi sắc do Luật Việc làm có hiệu lực sẽ tạo khung pháp lý để thị trường lao động hội nhập sâu rộng vào các nước trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, việc Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng sẽ là cơ hội tạo thêm nhiều việc cho người lao động trong nước.
Cần phải áp dụng chính sách tiến bộ về việc làm
Ngày 21/7, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng công bố bản báo cáo tóm tắt về thị trường lao động Việt Nam. Theo ILO, nhóm thanh niên trẻ tuổi và năng động là nhóm lớn nhất trong số 18 triệu lao động làm công ăn lương tại Việt Nam. Họ sẵn sàng rời quê hương, di cư nội địa để tìm kiếm công ăn việc làm.
ILO dự báo số lượng lao động làm công ăn lương sẽ đạt mức 25 triệu người, hoặc 44% tổng số lao động vào năm 2025 so với con số 18,2 triệu người hay 35% tổng số việc làm theo Điều tra Lao động Việc làm Việt Nam 2013. Đáng chú ý theo ILO, nhiều lao động hưởng lương có trình độ học vấn tương đối thấp. Một nửa trong số họ mới tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc thấp hơn. Trong khi đó, chỉ 18% số lao động làm công ăn lương đã bắt đầu học đại học và cao hơn.