Cụ Nguyễn Xuân Lương, trú tại thôn Côn Lăng Hạ (xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã quyết định bán đất, vay lãi ngân hàng để có 800 triệu đồng làm con đường dài 1km. Từ đó giúp việc đi lại của nhân dân được thuận lợi hơn và mở ra hướng phát triển mới cho nghề đá Ninh Vân.
Cụ Nguyễn Xuân Lương (92 tuổi) khá minh mẫn khi kể cho chúng tôi nghe về quá trình cụ bán đất, vay lãi ngân hàng để làm 1 km đường giữa núi Thung Đen và làng Thiện Dưỡng Thượng (nay là thôn Dưỡng Thượng). Là một cựu binh tham gia kháng chiến chống Pháp, từng kinh qua những trận đánh lớn tại chiến trường Điện Biên Phủ, sau khi trở về quê hương, cụ Lương tiếp tục tham gia sản xuất. Những năm 1980, cụ Lương được bổ nhiệm làm Giám đốc nhà máy xi măng Ninh Xuân, rồi sau đó là Giám đốc nhà máy xi măng Hệ Dưỡng.
Năm 2001, cụ Lương về hưu và thành lập tổ hợp tác đá xây dựng và đá mỹ nghệ Hệ Dưỡng. Thời điểm đó, để có nguyên liệu sản xuất, thợ đá phải vào núi Thung Đen đục đá rồi vác qua cánh đồng chiêm trũng mang về, còn những hộ dân sống gần núi cũng biệt lập với bên ngoài bởi không có đường đi lại. Với bộ óc của một người làm kinh tế giỏi, cụ Lương hiểu rằng, mình cần phải làm một con đường dân sinh phục vụ ngành công nghiệp khai thác đá và phục vụ bà con đi lại.
“Khi đó, nghĩ về kinh phí, tôi cảm thấy rất đau đầu. Sau nhiều lần suy đi tính lại, tôi hạ quyết tâm bằng mọi giá phải làm được một con đường, bởi nếu không làm thì làng nghề đá ở Ninh Vân không biết đến bao giờ mới có thể phát triển”, cụ Lương nhớ lại.
Để hiện thực hóa ý tưởng, cụ Lương giấu vợ bán mảnh đất rộng 750 m2 gần quốc lộ 1A và vay mượn thêm, gom đủ gần 800 triệu đồng làm đường. Sau một năm thi công, con đường dài gần 1 km, rộng 7 m, cao gần 1 m và âm xuống lòng đất 0,6 m hoàn thành.
Cụ Lương cùng người dân làng Dưỡng Thượng thống nhất gọi đó là “con đường hạnh phúc”. Đến nay, con đường đã đưa vào sử dụng gần 20 năm nhưng vẫn vững chãi dù lượng xe trọng tải hàng chục tấn chạy qua với tần suất cả trăm lượt mỗi ngày.
Từ khi có đường nối vào núi đá, các doanh nghiệp khai thác đá liên tục “đổ bộ” về xã Ninh Vân như những cơn sóng. Theo thống kê, đến nay, tại xã Ninh Vân có 2 nhà máy xi măng, 4 mỏ khai thác đá đang hoạt động. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có gần 500 hộ, 90 doanh nghiệp cùng tham gia làm nghề chế tác đá mỹ nghệ.
“Trước khi có đường, phải vận chuyển đá bằng tàu thuyền đường thủy, bán chỉ được 13.000 đồng/m3. Tuy nhiên, đến nay, xe tải có thể dễ dàng vào vận chuyển, giá đá đã tăng lên tới hơn triệu đồng/m3”, cụ Lương nói.
“Tấm lòng của bác Lương cả xã, cả huyện đều biết, người dân chúng tôi cũng không biết nói như thế nào ngoài lời cảm ơn”, anh Vũ Văn Dĩnh, 39 tuổi, một người làm nghề đá mỹ nghệ tại thôn Dưỡng Thượng cho biết.
Chia sẻ về việc làm của chồng, bà Nguyễn Thị Tình (75 tuổi), nói: “Ngày đó ông ấy bán đất, vay mượn tiền để làm đường tôi xót lắm. Nhưng khi ngồi lại, ông ấy nói cho tôi về những hy vọng, những cái được của việc làm đường, tôi lại hiểu ra, chia sẻ và động viên ông ấy thêm”.
Ông Nguyễn Văn Dĩnh, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Ninh Vân nói: “Cụ Lương là một tấm gương, một người thầy dạy nghề, người truyền lửa. Đúng là con đường cụ làm đã góp phần mang lại ấm no, hạnh phúc cho hầu hết người dân trong xã chúng tôi”.
Nói về nghề đá Ninh Vân, cụ Lương tâm tư: “Đá là thứ hữu hạn, khai thác nhiều sẽ hết. Chỉ mong có cách nào, có thể giám sát các doanh nghiệp khai thác một cách chuẩn chỉ, để mỗi khối đá bán ra tương xứng với giá trị của nó. Để người dân Ninh Vân sẽ sống bằng nghề đá trong thời gian lâu nhất có thể”.