ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, cần cụ thể hóa quyền thành lập hội của công dân, và phân loại hội, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong thành lập hội của công dân, cũng như tạo điều kiện cho hội hoạt động hiệu quả.
Chiều ngày 26/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật về hội.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, hiện nước ta đang tham gia các công ước quốc tế của LHQ. Theo đó, công dân các nước tham gia công ước có quyền lập hội ở nước cùng tham gia công ước. Cho nên nếu ta không cho phép người nước ngoài tham gia hội thì không tuân thủ các điều ước đã ký kết, vì vậy nên cho phép người nước ngoài được tham gia hội ở Việt Nam.
Về quyền thành lập hội, theo ĐB, còn nặng về tư tưởng quản lý Nhà nước, thủ tục rườm rà, kéo dài. Thủ tục doanh nghiệp chỉ mất 3 ngày mà thành lập hội mất 60 ngày. Vì thế cần đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục hành chính.
“Không nên nặng quản lý nhà nước vì có hàng trăm nghìn hội, vì thế nếu quản lý sẽ quá tải và tốn kém. Do đó nên để các hội hoạt động theo quy chế. Có như vậy mới minh bạch, và độc lập tự chủ của hội mới được đảm bảo - ông Vinh bày tỏ.
Đồng tình với việc cần thiết sớm có Luật về hội, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, việc ban hành là cần thiết, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền thành lập hội của công dân. Tuy nhiên ông cho rằng, cần cụ thể hóa quyền thành lập hội của công dân, và phân loại hội, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong thành lập hội của công dân, cũng như tạo điều kiện cho hội hoạt động hiệu quả.
Cùng chung quan điểm với ĐB Vinh về việc cho phép người nước ngoài sinh sống hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội, ông Tính đưa ra dẫn chứng: Vì hiện nay có hàng trăm nghìn người nước ngoài làm việc tại Việt Nam muốn tham gia hoạt động hội tại Việt Nam. Thông qua hội họ muốn đầu tư dự án tại địa phương cũng như trợ giúp xã hội. Tuy nhiên ông Tính đề nghị, cần có những điều kiện hoạt động cụ thể đối với người nước ngoài tham gia hội để tránh việc lợi dụng hội để hoạt động trái pháp luật.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), việc xét đơn thành lập hội 60 ngày là quá lâu, chưa kể các thủ tục phải chứng minh bằng cách muốn thành lập hội phải có hợp đồng ký thuê trụ sở để hoạt động. Như vậy là quá lâu và gây cản trở.
Về hạn chế quyền thành lập hội, trong đó có người có năng lực hành vi kém không được phép tham gia thành lập hội, ông Nghĩa cho rằng, họ không được thành lập hội nhưng phải được quyền tham gia hội. Bởi theo ĐB, ví dụ người mù, hay người bị bệnh nan y thì họ được quyền tham gia vào hội để hỗ trợ giúp đỡ nhau về sức khỏe, thuốc men cho nhau.
Cùng ngày, với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. |