Ngày 21/10, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân.
Tổng hợp những ý kiến quan tâm của cử tri và nhân dân về vấn đề kinh tế xã hội, báo cáo chỉ rõ, thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp ; nhiều công trình, dự án lớn đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ, chất lượng chưa bảo đảm, gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân .
Đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát; xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp; minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công; thực hiện phân cấp, giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.
Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát các dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi . Tuy nhiên, bệnh dịch tả đã lan rộng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, số lượng lợn bị tiêu hủy lớn, làm thiệt hại và gây khó khăn nguồn cung cho thị trường ; một số địa phương tiêu hủy không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường; việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại chưa đồng bộ, kịp thời.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường phòng, chống dịch, giám sát chặt chẽ việc xử lý, tiêu hủy lợn bệnh; đồng thời, sớm xem xét cơ cấu lại ngành chăn nuôi để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
Công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua được tăng cường. Tuy nhiên, cử tri, nhân dân lo lắng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng.
Trước vấn đề này, cử tri và nhân dân đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh vi phạm.
Cử tri, nhân dân ghi nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường công tác quản lý giáo dục tại các địa phương, cơ sở; chấn chỉnh những lệch chuẩn về đạo đức, lối sống của một bộ phận giáo viên, công chức, viên chức trong ngành; phòng, chống bạo lực học đường . Việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 nhìn chung đã bảo đảm nghiêm túc, khách quan, an toàn. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân lo lắng, bức xúc trước một số vụ việc do bất cẩn, thiếu trách nhiệm của giáo viên, quản lý, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục dẫn đến tai nạn, rủi ro cho học sinh ; còn tồn tại những “lỗ hổng” trong việc quản lý các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương rà soát, bổ sung các quy định về quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học.
Du lịch Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, lượng khách quốc tế tăng, nhiều điểm du lịch đã phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy giao lưu văn hóa, tạo việc làm, phát triển kinh tế ở địa phương . Tuy nhiên, cử tri, nhân dân phản ánh về tình trạng ở một số nơi phát triển du lịch chưa bền vững, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và đời sống của người dân; tình trạng “chèo kéo” khách du lịch vẫn diễn ra ở một số địa phương.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương có giải pháp kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
PV
________________________________________
i Ngày 21/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1042/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, làm rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm năm 2019. Ngày 26/9/2019, Chính phủ đã đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
ii Giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136,038 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 50,93% kế hoạch Quốc hội giao và 52,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung; có 31 Bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% (Báo cáo của Bộ Tài chính).
iii Điển hình như một số công trình, dự án: dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội ở Hà Nội; Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên ở TP. Hồ Chí Minh.
iv Ngay từ khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại Trung Quốc (tháng 8/2018), Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể và sát sao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã triển khai quyết liệt; đã có trên 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trong đó có các văn bản rất quan trọng như: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ; Chỉ thị số 04/CT-TTg, Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành trên 40 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
v Tính đến ngày 23/9/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại trên 7.700 xã thuộc trên 600 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là trên 5,1 triệu con, tổng trọng lượng là trên 290 nghìn tấn (chiếm khoảng 7% tổng sản lượng thịt lợn của cả nước trong năm). Trong đó, hơn 4.500 xã có lợn bệnh chưa qua 30 ngày; hơn 3.000 xã đã qua 30 ngày; hơn 500 xã có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh (Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
vi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo điều hành khác nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội và bạo lực học đường; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên; chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện; xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục bảo đảm các giá trị cốt lõi; Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh, trong đó gia đình có vai trò hết sức quan trọng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; kịp thời nắm bắt các thông tin xử lý tại địa phương và tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng, tuyên truyền rộng rãi trong toàn ngành các tấm gương người tốt, việc tốt (Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
vii Vụ việc bỏ quên học sinh trên xe của trường Gateway, Hà Nội làm 01 học sinh tử vong; vụ việc bỏ quên học sinh trên xe của cơ sở mầm non tư thục Đồ Rê Mí ở thôn Đoài, Hoàn Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh làm 01 học sinh bị hôn mê….