Cử tri Pháp đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử đầu tiên

Linh Chi 23/04/2017 19:01

Người dân Pháp đã bắt đầu đổ tới các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử đầu tiên được tổ chức hôm 23/4, sau một chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống đầy chia rẽ cùng sự kiện khủng bố xảy ra ở ngay giữa trung tâm thủ đô Paris chỉ vài ngày trước khi bầu cử.

Cử tri Pháp đi bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở thủ đô Paris hôm 23/4. (Nguồn: AP).

Trong khi có tới 11 cái tên trong các lá phiếu bầu mà cử tri nhận được, chỉ có 4 ứng viên dẫn đầu được cho là có triển vọng thực sự để vượt qua vòng bỏ phiếu đầu tiên để đến được vòng bỏ phiếu thứ hai.

Các ứng viên hàng đầu này bao gồm thủ lĩnh của đảng Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen, ứng viên bảo thủ đang dính bê bối Francois Fillon, gương mặt mới có đường lối ôn hòa Emmanuel Macron và ứng viên cực hữu Jean-Luc Melenchon. Hai ứng viên giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử đầu tiên sẽ được đi thẳng tới vòng đối mặt cuối cùng tổ chức vào ngày 7/5 tới.

Các lá phiếu thăm dò mới đây nhất cho thấy kết quả rất khó dự đoán, có nghĩa rằng Pháp có thể được chứng kiến cuộc đối đầu giữa các ứng viên của đảng cực hữu và cánh tả, hoặc đảng cực hữu và một gương mặt mới trong làng chính trị. Do hết sức khó đoán về kết quả, không ứng viên nào được cho là sẽ giành đại đa số phiếu trong vòng bầu cử đầu tiên.

Ông Benoit Hamon hiện là ứng viên chính thống đảng Xã hội, nhưng các lá phiếu thăm dò cho thấy ông khó có thể thu hút được nhiều lá phiếu. Tổng thống Pháp Francois Holland, người cũng thuộc đảng Xã hội, hiện đã bị sụt giảm uy tín sau khi ông quyết định không theo đuổi nhiệm kỳ thứ hai.

An ninh, nhập cư trở thành tâm điểm

Các điểm bỏ phiếu đã bắt đầu mở cửa từ 8h00 sáng 23/4 (giờ địa phương) trên khắp nước Pháp, với các kết quả ban đầu được dự kiến sẽ có vào ngay buổi chiều. Tình trạng an ninh đã được thắt chặt trong ngày bầu cử, khi lực lượng cảnh sát tăng cường được triển khai trên khắp các tuyến phố thủ đô Paris và nhiều nơi khác.

Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc bỏ phiếu sẽ bị ảnh hưởng ra sao bởi vụ tấn công khủng bố xảy ra đêm 20/4 tại đại lộ Champ-Elysee, khiến 1 sỹ quan cảnh sát thiệt mạng.

Sự việc xảy ra khiến các ứng viên chính tuyên bố hủy các sự kiện chiến dịch tranh cử trong hôm 21/4 – tức ngày cuối cùng của chiến dịch – và thay vào đó đưa ra các tuyên bố trên truyền hình trực tiếp mà trong đó họ ra sức đưa ra các luận điểm cứng rắn về vấn đề an ninh và cam kết với cuộc chiến chống tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – tổ chức tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công.

Pháp, nền kinh tế đứng ở vị trí thứ 6 trên toàn thế giới và là một quốc gia quan trọng ở châu Âu, đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ loạt vụ tấn công khủng bố liên hoàn xảy ra ở Paris hồi tháng 11/2015.

An ninh chắc chắn sẽ trở thành một vấn đề xuyên suốt trong kỳ bầu cử Tổng thống Pháp, cũng giống như vấn đề nhập cư và tăng trưởng kinh tế. Nhiều cử tri nước này cho rằng các chính sách nhập cư hiện tại đã khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và kéo theo nhiều vấn đề làm nảy sinh các vụ tấn công khủng bố trong vòng vài năm trở lại đây.

Pháp không phải quốc gia châu Âu duy nhất chứng kiến sự trỗi dậy của các chính trị gia có tư tưởng dân túy. Ở Đức, đảng Sự thay thế cho nước Đức (AfD) có tư tưởng chống nhập cư đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi nhờ khai thác sự quan ngại về làn sóng người nhập cư ở nước này dưới thời Thủ tướng Angela Merkel. Các ứng viên dân túy cũng làm chấn động chính trường ở Hà Lan và Italy.

Chính sách của các ứng viên

Bà Le Pen đã nói với những người ủng hộ rằng nếu được lựa chọn, bà sẽ cho tạm ngừng tiếp nhận người nhập cư tới Pháp, cũng như đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo và trục xuất những kẻ cực đoan. Bà cũng tuyên bố rằng nếu chiến thắng, Pháp sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng như hiệp ước tự do đi lại Schengen.

Ông Macron, 39 tuổi, thì hy vọng sẽ đi theo đường lối ôn hòa, nhận được sự ủng hộ từ cả cánh hữu và cánh tả truyền thống bằng các cam kết sẽ thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện an ninh. Đảng của ông, “En Marche”, mới chỉ được thành lập hồi tháng 9 năm ngoái, giờ đã có trên 200.000 thành viên và các cuộc họp của ông thu hút được số lượng lớn người tham gia.

Tuy nhiên ông được cho là chưa từng tham gia bầu cử vào văn phòng chính phủ nào mà chỉ từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống Hollande cho đến khi từ chức hồi năm ngoái. Sự thiếu kinh nghiệm, thiếu một đảng chính thống và thiếu sức trẻ của ông chính là những điểm yếu chết người.

Ông Fillon, ứng viên Cộng hòa chính thống, ban đầu là người dẫn đầu danh sách ứng viên nhưng sau đó tụt hạng nhanh chóng sau vụ bê bối liên quan tới tham nhũng. Ông đã bác bỏ mọi việc làm sai trái và cam kết sẽ thực hiện nhiều cuộc cải cách, cắt giảm chi tiêu công và tăng cường an ninh.

Ông Melenchon trong vài tuần gần đây cũng trỗi dậy nhanh chóng, sau chiến thắng trong vòng tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Nhưng các chính sách mà ứng viên 65 tuổi này đưa ra – trong đó gồm việc rút khỏi NATO và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đàm phán lại về các quy định của EU – dường như chưa thể thuyết phục được tất cả cử tri.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cử tri Pháp đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử đầu tiên