Cử tri quan tâm việc xử lý hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Hoài vũ 22/04/2022 10:53

Ngày 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2022 của Quốc hội. Nhiều đại biểu băn khoăn khi tình hình khiếu nại tố cáo gia tăng so với cùng kỳ.

Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/4.

Rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng

Ông Dương Thanh Bình - Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, lo lắng về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đang tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân; việc xử lý của các cơ quan chức năng về hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Đáng chú ý, ông Bình cho biết: Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 3 tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có tăng hơn so với cùng kỳ. Tại trụ sở tiếp công dân trung ương đã tiếp 164 lượt với 462 công dân đến trình bày 162 vụ việc, trong đó khiếu nại 97 việc, tố cáo 15 việc, kiến nghị, phản ánh 50 việc; có 20 lượt đoàn đông người đến trình bày về 19 vụ việc. Tăng 49 lượt với 248 người, tăng 47 vụ việc, tăng 9 đoàn đông người so với tháng trước. Trên địa bàn TP Hà Nội, đã xuất hiện trở lại một số cá nhân, đoàn đông người kéo về Trung ương để khiếu nại, tố cáo. Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước có nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công an đã nhận được 121 kiến nghị của cử tri, trong đó 100 kiến nghị từ Ban Dân nguyện, 21 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chuyển đến. Trước các phản ánh và kiến nghị của cử tri, Bộ đã tập trung chỉ đạo giải quyết rất quyết liệt các biện pháp, tập trung việc đẩy mạnh xây dựng và tham mưu xây dựng hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là các dự án luật liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm.

Băn khoăn khi tình hình khiếu nại tố cáo tăng 49 lượt, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao khiếu nại, tố cáo tăng so với tháng trước? Qua đó đưa ra dự báo về tình hình trong thời gian tới. “Ví như địa phương nào nhiều? Vụ việc nào nhiều, khả năng giải quyết như thế nào? để chỉ đạo các địa phương giải quyết, tránh để thành điểm nóng”- ông Tới chỉ rõ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao gia tăng khiếu nại tố cáo? Tăng nhiều nhất địa phương nào? Lĩnh vực nào? Từ đó để các cơ quan của Quốc hội theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo.

Băn khoăn cấp giấy phép hành nghề đối với y sĩ

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Thẩm tra dự án luật, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, về chức danh phải có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh đối với “y sĩ” việc dự thảo luật quy định chỉ tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh “y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” mà không tiếp tục cấp cho các đối tượng y sĩ khác một mặt sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực y tế của hệ thống y tế cơ sở. Mặt khác, chưa thể hiện sự liên thông giữa nguồn nhân lực dân y và quân y.

Bà Anh cho hay, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng cần tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ, quy định cụ thể về phạm vi hành nghề đối với nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Y tế phải có định hướng và tiến hành đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sĩ nhằm đáp ứng nguồn nhân lực y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần bao quát hơn trong cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ chứ không chỉ cấp cho lực lượng vũ trang. Nếu chỉ cấp cho lực lượng vũ trang vậy khi họ ra khỏi ngành thì nghỉ? như thế là lãng phí. Như quân nhân chuyên nghiệp cũng chỉ 53 tuổi là nghỉ. Trong khi họ vẫn đủ sức khỏe, trình độ đang độ chín...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, sửa đổi luật lần này phải khuyến khích việc khám chữa bệnh có trình độ cao, xây dựng các trung tâm kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. “Hàng năm có rất nhiều người ra nước ngoài khám chữa bệnh. Nhiều người khi về cho biết, trình độ thầy thuốc của ta cũng chả kém ai, thậm chí còn hơn nước ngoài. Do đó nếu làm tốt vấn đề này chúng ta còn phát triển dịch vụ khám chữa bệnh” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần thể chế hóa chủ trương xã hội hóa trong khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong khám chữa bệnh. Vì vậy cần rà soát lại, làm rõ vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp. Thực tế có nhiều hội như: tim mạch, gan, thận. Vậy tại sao chúng ta không phát huy vai trò của các hội chuyên môn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, tránh việc lạm dụng áp dụng kỹ thuật cao không cần thiết để đẩy giá dịch vụ lên quá cao so với khả năng chi trả của người dân. Từ đó, khiến bệnh nhân dồn hết về tuyến trên, mà ít coi trọng y tế cơ sở. Đặc biệt, cần kiểm soát đối với các đơn vị tự chủ tài chính, tránh xảy ra các sai phạm tiêu cực tại cơ sở khám chữa bệnh như trong thời gian qua từ mua sắm vật tư, thuốc men, trang thiết bị y tế…

Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thực hiện, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục có giải pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cử tri quan tâm việc xử lý hành vi thao túng thị trường chứng khoán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO