Cử tri và nhân dân kiến nghị về tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn.
Ngày 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2022 của Quốc hội. Ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện cho biết: Cử tri và nhân dân đánh giá cao hành động tích cực, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, đã hỗ trợ đồng bào người Việt di chuyển an toàn ra khỏi vùng chiến sự và tổ chức đưa về nước những người có nhu cầu; sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội trước tình hình xăng dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Tuy nhiên, theo ông Bình, cử tri và nhân dân kiến nghị về tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn; về vụ việc tai nạn thương tâm chìm ca nô chở khách du lịch khiến nhiều người tử vong tại Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam; tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo; về tình trạng “loạn giá” kit xét nghiệm nhanh Covid-19; việc rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus “xách tay” từ Nga, Trung Quốc trên các trang mạng xã hội; về việc mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 cho người điều trị tại nhà còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải mua thuốc ngoài “chợ đen” với giá cao hơn nhiều lần giá nhà nước quy định; việc khai báo, cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh gặp nhiều khó khăn do trạm y tế cơ sở quá tải; tình trạng thiếu lao động, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ sở sản xuất kinh doanh do bị cách ly; tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong học sinh, giáo viên tại trường học sau khi tổ chức học trực tiếp.
Bên cạnh đó, Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng cho thấy, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng số lượt công dân và đoàn đông người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, vẫn có một số vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài công dân mang theo băng rôn, khẩu hiệu, có biểu hiện kích động, vi phạm pháp luật, gây phức tạp về an ninh trật tự vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; một số cá nhân, đoàn đông người kéo về Trung ương khiếu nại, tố cáo.
Đơn cử, tại Trụ sở tiếp công dân trung ương đã tiếp 115 lượt với 214 công dân đến trình bày 115 vụ việc, trong đó khiếu nại 68 việc, tố cáo 8 việc, kiến nghị, phản ánh 39 việc; có 11 lượt đoàn đông người đến trình bày 11 vụ việc (giảm 41 lượt với 103 người, giảm 40 vụ việc, giảm 5 đoàn đông người so với tháng trước).
Qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước có nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp chủ yếu liên quan đến hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp xả chất thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường, hoạt động của khu xử lý rác thải tập trung ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt của người dân, dẫn đến bức xúc, tiềm ẩn những phức tạp về an ninh, trật tự ở một số địa phương; tình trạng sai phạm tại nhiều dự án chung cư, chủ đầu tư xây dựng công trình khi chưa có giấy phép, người dân nhận nhà đã nhiều năm nhưng chưa nhận được giấy chứng nhận; việc lấn chiếm đất công để xây dựng các công trình trái phép tại quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội; về hiện tượng thu gom đất nông nghiệp của dân, sử dụng “chiêu trò” hiến đất làm đường để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, xây dựng công trình trái phép không đúng với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và quy hoạch khu dân cư ở tỉnh Lâm Đồng; một số vụ việc công nhân, người lao động tại một số khu công nghiệp đình công, yêu cầu tăng lương, phụ cấp và các phúc lợi khác, gây phức tạp về an ninh, trật tự. Hiện các vụ việc trên đã và đang được cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho biết, trong tháng 2, Bộ Công an đang điều tra làm rõ những vụ việc nổi trội trong thời gian qua như: vụ nhận hối lộ xảy ra tại cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao; sử dụng mạng xã hội rao bán các loại bằng giả. Đối với vấn đề cử tri quan tâm phản ánh, Bộ đã nhận được 39 kiến nghị của cử tri. Trong đó Ban Dân nguyện chuyển 22 kiến nghị, Văn phòng Chính phủ chuyển 17 kiến nghị.
Ông Tỏ cho hay, các kiến nghị trên phản ảnh về hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen, sử dụng tài khoản mạng xã hội rao bán bằng cấp; các dạng ma túy mới dưới dạng bột pha với nước trái cây; tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng trục lợi; sử dụng mạng xã hội để công kích người khác. Những vấn đề trên hiện đang được Bộ đã chỉ đạo công an các địa phương điều tra làm rõ.
Bên cạnh nhấn mạnh những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng nói rõ những bất cấp. Theo ông, vấn đề rất bức hiện nay vẫn chưa giải quyết hiệu quả là xin giấy chứng nhận nghỉ ốm để hưởng BHXH cho các F0 điều trị tại nhà. Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ.
“Theo luật phải có giấy chứng nhận của y tế cấp huyện, nhưng các F0 được hướng dẫn là không khuyến khích tới các cơ sở y tế để khám chữa bệnh mà điều trị tại nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm. Nên F0 điều trị tại nhà để xin được giấy chứng nhận là rất khó khăn”, ông Tùng nói và cho biết, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ là công nhận 7 loại giấy tờ, trong đó có cả giấy chứng nhận của y tế xã phường về cách ly nhưng chưa có quyết định cuối cùng.
Ông Tùng đề nghị, nếu Chính phủ không ra nghị quyết thì ủy quyền cho Bộ Y tế công nhận các loại giấy tờ đó để tháo gỡ khó khăn. Còn vướng mắc nữa thì đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có quy định khác luật để thực hiện. Chỗ nay phải hết sức quan tâm vì ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhiệm Covid-19 đang điều trị tại nhà theo đúng chủ trương của chúng ta hiện nay. Do đó phải quy định thống nhất về cơ quan cấp giấy, thời hạn cấp lúc nào, cách ly tại nhà không làm việc được thì có được hưởng BHXH không?.
Ông Tùng cũng cho rằng, tình trạng quảng cáo dự án ma để phân lô bán nền trái pháp luật diễn ra rất phức tạp. Báo chí phản ánh một số địa phương như Bình Phước, Quảng Trị có tình trạng dàn cảnh mua bán đất đai rất sôi nổi, “tranh mua cướp bán” để đưa lên mạng xã hội, qua đó tác động đến tâm lý người muốn tranh thủ thị trường để “lướt sóng”, gây thực trạng hết sức lộn xộn. “Cơ quan chức năng cần tập trung xử lý vấn đề này. Đây cũng là một tình trạng thổi giá gây nhiễu loạn thị trường”, ông Tùng nói.