LTS: Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV đã bắt đầu bước vào những ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, đầy trách nhiệm. Đồng hành cùng với các đại biểu dân cử, kể từ số báo này, Đại Đoàn kết mở chuyên mục “Cử tri với Quốc hội” nhằm đăng tải ý kiến tâm huyết của cử tri cả nước xung quanh những vấn đề “nóng”, những vấn đề mà nhân dân quan tâm, để từ đó, Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân.
GS. TS Đỗ Quang Hưng.
GS. TS Đỗ Quang Hưng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo chia sẻ với Đại Đoàn Kết xung quanh những điểm nhấn của bản Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp từ gần 3.385 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Trực tiếp theo dõi phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV qua truyền hình, GS. Hưng bình luận, Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại kỳ họp Quốc hội lần này khá toàn diện, xúc tích với những điểm nhấn phù hợp với thực tế xã hội hiện nay. “Báo cáo đã lấp lánh những điểm mới khi thực sự bắt nhịp được những hơi thở của xã hội, của cử tri và Nhân dân” - GS. Hưng bày tỏ.
Điểm nhấn đầu tiên GS. Hưng nêu ra đó là báo cáo đã phản ánh đúng những gì mà người dân đang suy nghĩ về công tác phòng chống dịch Covid-19. Đó là sự tin tưởng của cử tri và nhân dân trước sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, đến nay, Việt Nam đã ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh. Trong thành công đó, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của Mặt trận trong công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch.
Theo GS. Hưng, để vượt qua đại dịch này, chúng ta không chỉ nghĩ đến việc khôi phục lại và tăng trưởng kinh tế mà còn phải thực hiện vấn đề ổn định, giải quyết khó khăn của người dân. Vừa qua những quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước như gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng bước đầu triển khai đến các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã góp phần ổn định đời sống nhân dân. Cho đến nay phản ứng xã hội và quốc tế đối với gói an sinh xã hội này là rất tốt. Góp phần vào đó không thể không nhắc tới vai trò giám sát của Mặt trận để đảm bảo việc hỗ trợ được kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, một vấn đề mà GS Hưng tâm đắc nhất đó chính là việc báo cáo của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại kỳ họp thứ 9 này đã “phả” được tâm tư nguyện vọng của Mặt trận, cử tri và nhân dân trong vấn đề xây dựng Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là mong mỏi, hy vọng của người dân vào quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, ủng hộ tinh thần của Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, đặc biệt phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
Bày tỏ ấn tượng với những dấu ấn mới của 5 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, GS. Đỗ Quang Hưng cho rằng trong thời gian tới Quốc hội, Chính phủ cần có những giải pháp hữu hiệu để giải bài toán vừa phòng chống dịch vừa bắt đầu lấy lại nhịp độ tăng trưởng. Đặc biệt là việc triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ để người dân, doanh nhiệp sớm vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Liên quan đến những kiến nghị xung quanh vấn đề giáo dục, đào tạo hiện nay, GS. Hưng cho rằng, khi đất nước đang khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, việc đi học lại không chỉ còn là giữ cho an toàn cho học sinh mà quan trọng nhất phải suy nghĩ để cải cách giáo dục, đào tạo.
“Sau đại dịch Covid -19, chúng ta phải có những cải cách về giáo dục, nhất là phương thức đào tạo. Tới đây phải có những suy nghĩ, phương án đề nghị Chính phủ đẩy mạnh đổi mới từ vấn đề tuyển sinh, việc cấu trúc các trường đến việc giảng dạy và học”-GS. Đỗ Quang Hưng khẳng định.