Người Paris nói riêng, người Pháp nói chung rất tự hào về sông Seine. Dòng sông dài 776 km, bắt nguồn từ cao nguyên Langres, thuộc Côte-d'Or, chảy xuyên qua Paris rồi đổ ra biển ở Le Havre. Hai bên bờ sông đoạn chảy qua thủ đô nước Pháp có rất nhiều công trình nổi tiếng và cũng là đề tài sáng tác của nhiều họa sĩ, nhà văn...
Nhưng, điều đáng nói nhất hiện thời chính là sau hơn 100 năm, dự kiến tới năm 2025, người dân sẽ lại được bơi lội trên sông Seine. Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo cho biết, “đây là giấc mơ được ấp ủ từ lâu, và đang dần trở thành hiện thực. Sắp tới người dân có thể tắm một cách an toàn trên sông Seine”. Để làm sạch sông Seine, Paris đã chi ra 1,4 tỷ Euro (1,54 tỷ USD).
Được bơi trên sông Seine là mong ước của người dân Paris. Việc tắm trên con sông này đã chính thức bị cấm vào năm 1923 do chất lượng nước không đảm bảo. Tuy nhiên, người dân vẫn ra sông tắm cho đến đầu những năm 1960 thì thôi hẳn.
Trước đó, vào tháng 9/2020, trong một nỗ lực làm sạch dòng sông, giới chức thủ đô Paris đã tiến hành điều tra Tập đoàn xi măng Lafarge - Holcim (liên danh Pháp - Thụy Sĩ) liên quan đến cáo buộc xả thải ra sông Seine. Người dân đã báo với chính quyền thành phố nghi vấn nước thải bẩn rò rỉ ra sông Seine từ nhà máy. Cho dù Lafarge nói rằng họ chỉ là "nạn nhân" và vụ tràn chất thải là do một hành động ác ý của ai đó vu oan cho họ, thì bà Thị trưởng Anne Hidalgo vẫn kiên quyết cho rằng đây là một vụ bê bối môi trường, phá hủy quyết tâm bảo vệ dòng sông của chính quyền thành phố cũng như người dân.
"Chúng tôi đã làm việc với các đối tác trong nhiều năm để cải thiện chất lượng của sông Seine. Thành phố Paris sẽ bắt giữ và khởi tố bất cứ cá nhân nào gây ra sự tổn hại đến dòng sông " - bà Thị trưởng Paris cho hay.
Vào tháng 4/2019, Công ty Vinci của Pháp cũng đã bị cáo buộc xả nước thải xi măng ra sông Seine. Công ty này sau đó đã bị phạt 50.000 Euro, tương đương hơn 1,3 tỷ đồng tiền Việt Nam.
Mới thấy, từ sự phát hiện của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thì dòng sông dẫu có là “của chung” thì... ai cũng “khóc”. Cũng như nhiều quốc gia khác, trước đây dọc theo hai bên những dòng sông nước Pháp, các nhà máy mọc lên do giao thương thuận lợi. Không ít chủ nhà máy đã lén xả thải trực tiếp ra sông nhằm tiết kiệm chi phí xây dựng hệ thống lọc. Tới nay, nhiều nhà máy đã buộc phải di dời để trả lại nguồn nước mát lành cho các dòng sông. Vì rằng, môi trường thiên nhiên cần phải được bảo vệ thay vì bị lạm dụng, hủy hoại.