Sau khi báo ĐĐK phản ánh việc người dân tố các chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ (THADS) ban hành các quyết định trái pháp luật, Báo ĐĐK tiếp tục nhận được nhiều đơn của công dân phản ánh nhiều việc làm trái khoáy khác của những chấp hành viên ở các Chi cục THADS huyện Thới Lai, quận Ô Môn trong việc thi hành án gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Mảnh đất của ông Trần Thanh Hùng bị phát mãi.
Theo đơn trình bày của ông Trần Thanh Hùng, cán bộ về hưu: Năm 2010, vợ chồng ông Hùng đứng tên vay Ngân hàng nông nghiệp quận Ô Môn (NH) 2 tỉ đồng để nuôi cá tra nhưng không may bị thất bại và sau đó vợ ông qua đời.
Vợ chồng đã trả được 550 triệu đồng, còn nợ gốc 1,450 tỉ đồng. Đến tháng 1/2014, NH kiện gia đình ông ra Tòa án huyện Thới Lai. Ngày 24/1/2014, Tòa án huyện Thới Lai ký Quyết định số 06/2014/QĐST-KDTM công nhận sự thỏa thuận của đương sự với NH, nhưng sau đó ngày 10/3/2014, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Cần Thơ ra Quyết định số 04/QĐKNGĐT-KDTM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và có kết luận cuối cùng là tạm đình chỉ thi hành án đối với quyết định công nhận thỏa thuận của Tòa án Thới Lai cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Thế nhưng Tòa án và Chi cục THADS huyện Thới Lai phớt lờ quyết định của VKSND TP Cần Thơ, cho tiến hành phát mãi bán đấu giá tài sản của ông Hùng.
Theo ông Hùng, điều trái khoáy là tài sản của ông sau khi vợ ông qua đời phải tính đến đứa con là Trần Viễn Đông được hưởng thừa kế, nhưng các cơ quan tố tụng không hề đề cập đến.
Ngày 30/3/2017, Chi cục THADS Thới Lai tổ chức lực lượng cưỡng chế tài sản của ông Hùng, đem tài sản trong nhà của ông Hùng về Chi cục THADS Thới Lai quản lý. Sau đó, ông Trần Văn Cường, Chi cục trưởng THADS huyện Thới Lai yêu cầu ông Hùng di dời phần mộ của vợ ông trên phần đất bị cưỡng chế.
Trong đơn khiếu nại, ông Hùng cho rằng Tòa án và Chi cục THADS Thới Lai đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng khi không đưa Trần Viễn Đông vào diện được hưởng thừa kế sau khi vợ ông đột ngột mất khi phát mãi tài sản.
Một chuyện trái khoáy khác xảy ra ở Chi cục THADS quận Ô Môn. Theo đơn tố cáo của Ngân hàng TMCP Eximbank Chi nhánh Tây Đô (Eximbank) thì bà Nguyễn Thị Kim Sa và ông Nguyễn Minh Chánh có giao dịch vay 7 tỉ đồng của Eximbank vào năm 2008 thế chấp bằng 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do không trả được nợ gốc và lãi, Tòa án quận Bình Thủy (lúc đó) có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với ngân hàng, tiến hành kê biên và phát mãi 3 thửa đất thế chấp để thu hồi nợ cho Eximbank từ ngày 13/11/2012.
Trong quá trình THA thì ngày 16/2/2012, UBND quận Ô Môn có quyết định thu hồi 754,3 m2 đất của bà Sa, ông Chánh để mở rộng lộ giới QL 91 và bồi thường 1.131.797.800 đồng.
Chi cục THADS quận Ô Môn nhận số tiền này. Eximbank có nhiều văn bản gửi UBND quận Ô Môn, Chi cục THADS quận, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận yêu cầu ngăn chặn để thu hồi số tiền bồi thường để đảm bảo thi hành án cho Eximbank.
Thế nhưng, Chi cục THADS Ô Môn lại trao số tiền bồi thường cho bà Sa, ông Chánh mà không giao cho Eximbank làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Eximbank trong việc thu hồi nợ.
Eximbank cho rằng, việc làm của Chi cục THADS Ô Môn là trái qui định của pháp luật trong công tác thi hành án, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của Eximbank và yêu cầu Cục THADS Cần Thơ có biện pháp thu hồi, hoàn trả số tiền bồi thường đất cho Eximbank.
Quả là những việc làm của các chấp hành viên trái khoáy đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đơn vị nên phát sinh khiếu nại, tố cáo.